Nội dung chính bài Quê hương

  • 1 Đánh giá

Câu 4: Hãy nêu ngắn gọn những nội dung chính và chi tiết kiến thức trọng tâm bài học " Quê hương"

Bài làm:


Nội dung bài gồm:

Back to top

A. Ngắn gọn những nội dung chính

1. Giới thiệu chung

  • Tác giả: Tế Hanh: (1921 - 2009) tên khai sinh là Trần Tế Hanh. Ông xuất hiện trong thi đàn Việt Nam ở chặng cuối phong trào Thơ mới (1940 -1945), với những sáng tác mang nặng nỗi buồn và tình yêu quê hương.
  • Bài thơ: viết năm 1939, khi Tế Hanh đang học tại Huế trong nỗi nhớ quê hương-một làng chài ven biển tha thiết. Bài thơ được rút trong tập Nghẹn ngào (1939) và sau đó được in trong tập Hoa niên (1945)

2. Phân tích bài thơ

a. Hình ảnh quê hương trong tâm trí của tác giả:

  • “Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới”: Cách gọi giản dị mà đầy thương yêu, giới thiệu về một miền quê ven biển với nghề chính là chài lưới
  • Vị trí của làng chài: cách biển nửa ngày sông

⇒ Cách giới thiệu tự nhiên nhưng cụ thể về một làng chài ven biển

b. Cảnh tàu ra khơi

  • Thời gian bắt đầu: Sớm mai hồng => gợi niềm tin, hi vọng
  • Không gian “trời xanh”, “gió nhẹ”, bầu trời cao rộng , trong trẻo, nhuốm nắng hồng bình minh → hình ảnh đoàn thuyền băng mình ra khơi, đi đánh cá.
  • Nghệ thuật so sánh, động từ mạnh diễn tả khí thế dũng mãnh của con thuyền ra khơi, làm toát lên một sức sống mạnh mẽ, một vẻ đẹp hùng tráng đầy hấp dẫn:
    • Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
    • Rướn thân trắng bao la...
  • Bút pháp lãng mạn, nghệ thuật so ánh, nhân hóa, ẩn dụ -> cánh buồm trắng căng gió biển khơi quen thuộc bỗng trở nên lớn lao, thiêng liêng, rất thơ mộng và trở thành biểu tượng của miền quê làng chài luôn tràn đầy sức sống.
  • Cảnh dân chài bơi thuyền đi đánh cá là một cảnh tượng đẹp: cả thiên nhiên và con người đều hiện ra với vẻ đẹp đầy sức sống, đầy hứa hẹn.

c. Cảnh đoàn thuyền trở về

Bức tranh lao động náo nhiệt, đầy ắp niềm vui, sự sống có:

* Hình ảnh người dân đánh cá

  • Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng
  • Cả thân hình nồng thở vị xa xăm.

=> Hình ảnh thơ vừa chân thực vừa lãng mạn -> khắc họa vẻ đẹp giản dị, khoẻ khoắn, thơ mộng của người dân chài lưới: nước da ngăm nhuộm nắng, nhuộm gió, thân hình vạm vỡ và thấm đậm vị mặn mòi của biển khơi.

* Hình ảnh con thuyền:

  • Chiếc thuyền im…
  • Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ.

=> Một bức tranh đẹp có hình ảnh thiên nhiên, hình ảnh con người luôn đan xen, hòa quyện. Con người gắn bó với biển, yêu biển như một thực thể.

d. Nỗi lòng người xa quê

  • Nỗi nhớ quê hương thiết tha của tác giả được bộc lộ rõ nét:
  • Hình ảnh: màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi
  • Nhịp thơ da diết, điệp từ nhớ -> nhấn mạnh nỗi nhớ quê của tác giả - nỗi nhớ sâu đậm của tác giả
  • Đó là nỗi nhớ màu sắc, cảnh vật, nhớ hình dáng con thuyền, nỗi nhớ đó kết đọng lại trong một mùi vị đặc trưng của làng chài “mùi nồng mặn” ở đó có nắng, có gió, có vị muối, có tình quê sâu nặng.

=> Tác giả gắn bó sâu sắc với quê hương, quê hương luôn sống mãi trong lòng tác giả.

Back to top

B. Phân tích chi tiết nội dung bài học

1. Hình ảnh quê hương trong tâm trí của tác giả

Trước hết, hai câu thơ mở đầu là lời giới thiệu về quê hương của nhà thơ:

Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới:

Nước bao vây, cách biển nửa ngày sông.

Lời thơ ngắn gọn, tự nhiên như một câu văn xuôi thông thường nhưng đã giới thiệu một cách đầy đủ từ công việc thường làm đến vị trí của "làng tôi". Đó là một làng nghề chài lưới ven biển xinh xắn với con sông Trà Bồng thơ mộng uốn khúc, bao quanh.

2. Cảnh tàu ra khơi

Thiên nhiên:

Khi trời trong gió nhẹ sớm mai hồng

Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá.

Một loạt từ ngữ mang tính chất liệt kê khung cảnh, không gian thanh bình, tươi đẹp của cảnh biển vào buổi sáng như: “gió nhẹ”, “sớm mai hồng” là những gì còn neo giữ trong lòng của tác giả khi nhớ về quê hương.

Con người:

Chiếc thuyền hăng như con tuấn mã

Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang

Nhớ về quê hương, ấn tượng đẹp và in sâu đậm nhất trong lòng Tế Hanh đó là hình ảnh về những con người lao động đang dong thuyền ra khơi đánh bắt cá. Với hai động từ “hăng”, “phăng” kết hợp với phép so sánh độc đáo khiến cho bức tranh đi đánh cá trở nên giàu chất tạo hình, giàu đường nét và giáu cá tính mạnh. Với động từ “phăng” đã phần nào gợi tả lên sự khéo léo kết hợp sự tinh tế và khỏe mạnh của những người dân vùng chài lưới.

Con thuyền:

Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng

Rướn thân trắng bao la thâu góp gió

Phép so sánh cánh buồn “như mảnh hồn làng” có sức gợi rất sâu sắc, bởi rằng đối với những người làm nghề chài lưới thì cánh buồm chính là biểu tượng cho cuộc sống của họ. Một sự so sánh hữu hình và vô hình đã làm nên sự sáng tạo nghệ thuật tuyệt vời. Con thuyền đã mang theo cả tin yêu, hạnh phúc và hi vọng của những người dân nơi đây. Câu thơ khỏe khoắn và tự nhiên đã phần nào làm toát lên được khí thế hào hùng trong công cuộc chinh phục biển khơi.

3. Cảnh đoàn thuyền trở về

Khung cảnh dân chài lưới chào đón thành quả sau một ngày căng thẳng vất vả được miêu tả chân thực và đầy niềm vui:

Ngày hôm sau ồn ào trên bến đỗ

Khắp dân làng tấp nập đón ghe về

Nhờ ơn giời biển lặng cá đầy ghe

Những con cá tươi ngon thân bạc trắng

  • Dưới ngòi bút tài hoa của Tế Hanh, bức tranh lao động hiện lên thật chân thực, khỏe khoắn, náo nhiệt, đầy ắp tiếng cười nói của con người. Không khí “ồn ào”, “tấp nập” đã phần nào tái hiện được niềm vui và phấn khởi của người dân chài sau một ngày hoạt động hết công suất. Những con cá “tươi ngon” nằm im lìm là những thành quả mà họ đạt được. Những người dân làng chài khoẻ mạnh vạm vỡ vừa được tả thực vừa lãng mạn trở nên có tầm vóc phi thường(nước da ngăm nhuộm nắng nhuộm gió; thân hình thấm đậm vị mặn mòi nồng toả" vị xa xăm" của biển khơi.
  • Vẻ đẹp ngoại hình với làn da ngăm đen rám nắng với những bắp thịt cuồn cuộn, rắn rỏi, mạnh mẽ đã tạo nên một thần thái phong trần, dẻo dai, kiên cường khi làm chủ biển khơi của họ. Chính cái vị mặn mòi của muối biển, nồng đượm đã thấm sâu trong từng thớ thịt, từng hơi thở của người dân chài làng chài.

Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm

Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ.

  • Sau những ngày dài lênh đênh ngoài biển khơi, với những động từ chỉ trạng thái: "im, mỏi, trở về, nằm, nghe" khiến cho con thuyền hiện lên như con người, biết nghỉ ngơi, thư giãn sau một hành trình ra khơi vất vả. Nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác qua động từ "nghe" đã làm cho con thuyền có tâm hồn, có suy nghĩ như đang tự cảm nhận "chất muối" – hương vị biển cả quê hương đang dần thấm vào cơ thể. Phải chăng sự cảm nhận đó của con thuyền cũng chính là sự cảm nhận con người ngư dân nơi đây, đó là vẻ đẹp tâm hồn mặn mà, nồng hậu, chan chứa tình yêu thương luôn tồn tại trong họ.

4. Nỗi lòng người xa quê

  • Nỗi nhớ của tác giả thật đa dạng: nhớ màu nước xanh, nhớ con thuyền, nhớ cánh buồm vôi... đặc biệt nhớ “mùi nồng mặn”, mùi riêng biệt của xứ biển, mùi rong rêu, mùi của sóng, của gió, của cá...Mùi, hương vị quen thuộc của và thân thương của “mảnh hồn làng” nơi chôn nhau cắt rốn của nhà thơ. Nỗi nhớ thường trực “ Thoáng trông hay thoáng trong ý nghĩ tâm tưởng, dù ở chân trời nào, khoảng không nào hương vị mặn nồng của biển cả cứ vấn vương mãi, dềnh lên trong nỗi nhớ suốt chặng đường xa quê của mình.
  • Quê hương cứ trăn trở mãi trong lòng Tế Hanh và quê hương đã trở thành hồn thơ của người con vùng biển yêu quê thật mặn nồng ấy!

5. Tổng kết

Nội dung: Bức tranh tươi sáng sinh động về một làng quê miền biển.

  • Hình ảnh khỏe khoắn đầy sức sống của người dân chài và sinh hoạt lao động làng chài.
  • Nỗi nhớ da diết, sự gắn bó thủy chung, tình yêu quê hương sâu nặng của tác giả.

Nghệ thuật:

  • Hình ảnh so sánh, nhân hoá, động từ, tính từ, từ láy, câu cảm thán.
  • Giọng thơ mượt mà, sâu lắng.
  • Bút pháp lãng mạn, thể thơ 8 tiếng.

Ý nghĩa: Bài thơ là lời bày tỏ của tác giả về một tình yêu tha thiết đối với quê hương làng biển.

Back to top

  • 29 lượt xem
Cập nhật: 07/09/2021