Qua lời trò chuyện với con, người cha trong bài thơ Nói với con của Y Phương đã thể hiện những tình cảm và suy nghĩ gì về quê hương, dân tộc?

  • 1 Đánh giá

Câu 7: Qua lời trò chuyện với con, người cha trong bài thơ Nói với con của Y Phương đã thể hiện những tình cảm và suy nghĩ gì về quê hương, dân tộc?

Bài làm:

Tình yêu quê hương đất nước luôn là truyền thốn quý báu của dân tộc ta. Chẳng vậy mà trong những bài học dạy con khôn lớn người cha người mẹ nào cũng thêm vào trong đó những tình yêu quê hương tha thiết. Bài thơ “Nói với con” của Y Phương cũng vậy. Bài thơ là lời của người cha với con, nhắc nhở con về cội nguồn sinh dưỡng của mỗi con người, về sức sống mạnh mẽ, bền bỉ của quê hương, dân tộc.

Nhà thơ đã mở rộng từ tình cảm gia đình đến tình cảm quê hương, từ những kỷ niệm gần gũi, thiết tha mà nâng lên thành lẽ sống. Mở đầu bài thơ bằng những hình ảnh cụ thể, Y Phương đã tạo được không khí gia đình đầm ấm, quấn quýt. Từng bước đi, từng tiếng nói tiếng cười của con được cha mẹ mừng vui đón nhận:

“Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười”

Khung cảnh một gia đình chan hòa hạnh phúc giữa cuộc sống yên vui đáng yêu biết mấy. Không khí của một gia đình ấm êm, hạnh phúc được diễn tả bằng cách sử dụng hình ảnh thực và cụ thể. Mỗi bước đi của con đều có cha mẹ ở bên dìu dắt, mỗi tiếng cười, tiếng nói đều có cha mẹ ở bên khuyến khích. Không chỉ có gia đình, con còn lớn lên, trưởng thành trong cuộc sống lao động, trong quê hương thơ mộng và tình quê hương sâu nặng:

“Người đồng mình yêu lắm con ơi
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát
Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng
Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới
Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời”

Đời sống tinh thần nên thơ, nên nhạc khiến cho công việc đỡ nhọc nhằn và con người có thêm niềm vui, niềm tin vào cuộc đời. Những từ ngữ giàu sắc thái biểu hiện: cài nan hoa, ken câu hát,... đã miêu tả cụ thể cuộc sống ấy đồng thời thể hiện tình cảm gắn bó, quấn quýt của con người quê hương. Rừng núi quê hương thơ mộng và trữ tình cũng là một trong những yếu tố nuôi con khôn lớn, nâng đỡ tâm hồn con. Nhìn con khôn lớn, suy ngẫm về tình nghĩa làng bản quê nhà, nhà thơ đã nghĩ về cuội nguồn hạnh phúc, “ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời” và cho con biết chính quê hương đã tạo cho cha mẹ cuộc sống hạnh phúc, mạnh mẽ, bền lâu. Dặn dò con về quê hương ,về “đồng mình “, cha càng muốn con phải khắc cốt ghi xương nơi mình đã sống ,đã trưởng thành .

Không chỉ gợi cho con về nguồn sinh dưỡng, cha còn nói với con về những đức tính cao đẹp của "người đồng mình". Đó là lòng yêu lao động, hăng say lao động với cả tấm lòng. Đó là sức sống bền bỉ, mạnh mẽ, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ:

“Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn”.

Vẫn là cụm từ “ Người đồng mình” lại vang lên thân thương gần gũi. Vẫn giọng nói trầm ấm, tình cảm, người cha nói với con về những đức tính cao đẹp của người đồng mình. Họ sống cuộc sống vất vả “Cao đo nỗi buồn, xa nuôi chí lớn” nhưng họ vẫn là những con người rất mạnh mẽ, có chí khí, là những con người yêu quê hương tha thiết, gắn bó với quê hương mình. Họ đã làm nên quê hương với những phong tục, truyền thống tốt đẹp, bằng chính sự cần cù của mình. Người cha đã ca ngợi những con người mộc mạc, giản dị, nhưng giàu chí khí, với niềm tin mãnh liệt và ý chí mạnh mẽ. Thiên nhiên không ban tặng cho người nơi đây địa hình thuận lợi, cuộc sống tuy khó khăn nhưng người đồng mình vẫn chịu thương chịu khó, sống gắn bó, nỗ lực vượt qua tất cả. Lời tâm tình của người cha nói với con cũng là lời khuyên răn con phải biết trân trọng mảnh đất quê hương, nơi mình sinh ra và lớn lên.

Từ đó, cha đã nhắc nhở con phải sống có nghĩa tình, thuỷ chung với quê hương. Con phải biết chấp nhận, biết can đảm vượt qua gian lao thử thách bằng ý chí và niềm tin của mình:

“Sống trên đá không chê đá ghập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc.”

Đó là cách sống hiên ngang, bất khuất, bất chấp mọi khó khăn, gian khổ, vượt lên tất cả để khẳng định khí phách và phẩm chất tốt đẹp của mình. Đó là sống vất vả nhưng vẫn mạnh mẽ khoáng đạt, bền bỉ gắn bó với quê hương dẫu cho quê hương còn đói nghèo cực nhọc. Gian lao, thử thách, lên thác xuống ghềnh chỉ làm cho con người thêm vững lòng, bền chí.

Những câu thơ tiếp theo là lời khẳng định với con, “ người đồng mình” tuy mộc mạc thô sơ nhưng không nhỏ bé:

“Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá kè cao quê hương
Còn quê hương thì lầm phong tục”

Và mong ước lớn nhất của cha:

“Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con.”

Nếu ai đã một lần đặt chân lên đất Cao Bằng, Hà Giang thì sẽ thấm thía cái hay của hình tượng thơ: Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương. Các dân tộc miền núi nơi đây sinh sống bao đời nay giữa mây ngàn và đá núi. Họ chắt chiu gây dựng từng mầm sống nhỏ nhoi. Quê nghèo nhưng tình người lại giàu có vô cùng! Sức sống kiên cường, bền bỉ của họ trải qua lịch sử lâu dài đã làm nên giá trị cao quý của truyền thống dân tộc, truyền thống quê hương. Cũng chính họ đã tự đục chân dung mình vào đá núi vĩnh hằng. Từ đó để khẳng định và ngợi ca tinh thần cần cù, chịu khó trong lao động, sống giản dị, chất phác, không hề “ nhỏ bé” tầm thường. Họ mong ước xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp.

Với một dân tộc như thế, một quê hương như thế, các thế hệ sau phải sống sao cho xứng đáng? Người cha ân cần khuyên nhủ:

"Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con."

Những câu thơ trên có giọng điệu nhẹ nhàng, tha thiết nhưng lại ẩn chứa một mệnh lệnh nghiêm khắc: Con hãy giữ vững và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, quê hương. Có như vậy mới xứng đáng là con của mẹ cha, mới xứng đáng với người đồng mình chân thật, mạnh mẽ, dũng cảm, hào hùng.

Bài thơ “Nói với con” của Y Phương bằng giọng thơ tha thiết như lời tâm tình trò chuyện của người cha với con. Thể hiện tình yêu to lớn của người cha. Tình yêu ấy của cha còn rộng lớn hơn khi bộc lộ niềm tự hào về những phẩm chất của quê hương, dân tộc mình đồng thời nhắc con sống sao cho đúng, cho xứng với người đồng mình và qua đó thể hiện những triết lý nhân sinh ở đời.

  • 151 lượt xem
Cập nhật: 08/09/2021