Cảm nghĩ của anh (chị) về buổi trò chuyện của một nhân vật truyền được cảm hứng (Nick Vujicic, Helen,...)

  • 1 Đánh giá

Đề bài: Cảm nghĩ của anh (chị) về buổi trò chuyện của một nhân vật truyền được cảm hứng (Nick Vujicic, Helen,...

Nhắc đến văn học dành cho thiếu nhi, người ta thường nhắc đến những tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, của C. S. Lewis, đến truyện cổ Grimm. Còn tôi, tôi đã lớn lên cùng với thế giới phù thủy nhiệm màu trong tác phẩm Harry Potter của nhà văn người Anh J. K. Rowling. Nhưng Rowling không chỉ là một nhà văn, bà còn là một người truyền cảm hứng. Vào năm 2008, Đại học Harvard đã mời bà đọc diễn văn khai mạc trong Lễ tốt nghiệp của trường, và đó cũng là một buổi trò chuyện mà tôi không thể nào quên được trong đời.

Mở đầu bài nói, Rowling đã sử dụng những câu nói hài hước đùa vui để xua tan đi sự nghiêm túc và trang trọng, bà đã cố ý khiến mọi người bật cười, giúp cho không khí buổi lễ thêm gần gũi hơn. Và rồi, bà bước vào những điều chính mà bà muốn nhắn nhủ đến các sinh viên ra trường: “Và vì các bạn đang đứng trước ngưỡng cửa của cái mà người ta hay gọi là "cuộc sống thực tế", tôi cũng muốn ca ngợi sự quan trọng của trí tưởng tượng. Điều này mới nghe ra thì thấy có vẻ là một chọn lựa quái dị và nghịch lý, nhưng xin các bạn kiên nhẫn với tôi một chút.” Sau đó, nhà văn kể về tuổi trẻ của mình, rằng hình dung lại tuổi 21 lúc mới ra trường là một việc không được dễ chịu lắm đối với một người đàn bà đã đến tuổi 42; nửa cuộc đời trước đây, bà cố tìm sự thăng bằng giữa tham vọng của mình và những gì người thân trong gia đình muốn bà phải đạt được. Lúc ấy, bà tin chắc rằng điều duy nhất mình muốn theo đuổi là viết tiểu thuyết. Nhưng bố mẹ bà, những người xuất thân nghèo khó và không được học đại học, cho rằng trí tưởng tượng quá khích của bà là một cái tật ngộ nghĩnh không cách nào có thể làm ra tiền để trả tiền nhà hay đảm bảo cho một đồng lương hưu trí về sau. Lắng nghe đến đây, trên gương mặt của những sinh viên hiện ra một điều gì đó như là sự đồng cảm. Đối với bản thân tôi, tôi cũng đã đứng trước rất nhiều sự lựa chọn của cuộc đời, và chắc chắn sẽ còn nhiều sự lựa chọn khó khăn hơn nữa, tôi nhận ra rằng cuộc sống thật khắc nghiệt biết bao.

Rowling cũng cho rằng bà không hề trách bố mẹ mình vì những quan điểm lúc ấy. Bởi khi bạn đủ lớn để tự lèo lái cuộc đời mình, trách nhiệm thuộc về bạn, và bạn không thể trách bố mẹ là đã hướng bạn đi nhầm đường được nữa. Nghèo khó mang theo sợ hãi và nhiều lúc cả trầm mặc; nó kéo theo hàng ngàn những nỗi nhục nhã và khó khăn nho nhỏ. Thoát khỏi nghèo khó bằng chính nỗ lực của mình, đó mới đích thực là điều đáng hãnh diện, và chỉ có ngớ ngẩn mới đi lãng mạn hóa sự nghèo khó mà thôi. Khi ta đối diện với thực tại như thế, ta biết rằng cuộc sống rồi sẽ vạn lần khó khăn hơn nữa. Và rồi, nhà văn nói một câu mà tôi vô cùng xúc động: “Điều mà tôi sợ nhất ở tuổi các bạn không phải là sự nghèo khó, mà là sự thất bại. Ở tuổi của các bạn, mặc dù không hứng thú chút nào với đại học đường, nơi mà tôi bỏ quá nhiều thì giờ trong các quán cà phê để ngồi viết truyện và quá ít giờ ở các giảng đường, tôi vẫn qua được các bài thi, và trong nhiều năm, đó là thước đo thành công của cuộc đời tôi và cuộc đời các bạn tôi.”

Nếu là một người hâm mộ của Rowling, chúng ta sẽ biết bà đã trải qua rất nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu của cuộc đời, một cuộc hôn nhân chóng vánh, thất nghiệp, bị từ chối bản thảo lần này đến lần khác. Và dĩ nhiên, thất bại là một điều đáng sợ, khoảng thời gian đó là những chuỗi ngày đen tối. Chúng ta không biết đường hầm sẽ kéo dài bao xa, và trong một thời gian dài, tia sáng cuối đường hầm là một niềm hy vọng hơn là một hiện thực. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta trốn tránh thất bại, có thể, mỗi người chúng ta không ai gặp thất bại đau đớn như Rowling đã từng, nhưng trong cuộc đời, thất bại là không thể tránh khỏi. Không thể sống mà không thất bại trong một việc gì đó, trừ phi ta sống dè dặt tới mức có thể coi như chưa sống – trong trường hợp đó, cả cuộc đời ta đã là một sự thất bại rồi.

Trong lúc tôi vẫn còn suy ngẫm về ý nghĩa của sự thất bại, thì Rowling đã chuyển sang ý nghĩa của trí tưởng tượng. Trí tưởng tượng không chỉ là khả năng độc đáo của loài người để hình dung những chuyện không có, và vì vậy, là nền tảng cho tất cả những phát minh và sáng tạo. Có thể nói rằng nó là khả năng giúp mang lại sự thay đổi và tỉnh ngộ nhiều nhất, giúp chúng ta có được sự đồng cảm với những con người có cuộc đời khác hẳn với chúng ta. Nhiều người không thích sử dụng trí tưởng tượng của mình một chút nào. Họ chọn cách nằm yên trong ranh giới bình an và quen thuộc của cuộc sống, không buồn thắc mắc nếu họ phải sinh ra trong một hoàn cảnh khác hơn kinh nghiệm bản thân mình thì sẽ ra sao. Không trải nghiệm, và không sử dụng trí tưởng tượng của mình, tâm hồn của chúng ta khó mà được soi rọi. Chính nhờ trí tưởng tượng mà J. K. Rowling mới thành công như ngày hôm nay, bà mới trở thành một nữ tỉ phú giàu có, và trên hết, bà được sống với chính đam mê của mình, trong thế giới phù thủy đầy màu sắc rực rỡ.

Nhờ bài nói chuyện này, tôi càng hiểu thêm một tấm lòng đẹp đẽ của nhà văn người Anh J. K. Rowling; bà không chỉ là một tác giả xuất sắc với tác phẩm Harry Potter, mà bà còn là một người truyền cảm hứng. Mỗi khi cảm thấy bế tắc trong cuộc sống, tôi lại nghe lại buổi nói chuyện này, như một cách lắng nghe tâm hồn mình, và nhắc nhở bản thân rằng: đừng sợ hãi thất bại.


  • 9 lượt xem
Cập nhật: 07/09/2021