Bài văn mẫu lớp 7 số 6 đề 3 Giải thích câu tục ngữ Thất bại là mẹ thành công

Nội dung
  • 1 Đánh giá

Hãy giải thích câu tục ngữ Thất bại là mẹ thành công - Bài văn mẫu lớp 7 số 6 đề 3 với những bài mẫu hay được KhoaHoc chọn lọc và đăng tải nhằm hỗ trợ học sinh trong quá trình hoàn thiện yêu cầu đề bài, học tốt Ngữ văn lớp 7.

Văn mẫu lớp 7 số 6 đề 3 - Bài 1

Ai bước chân được đến đỉnh vinh quang của thành công mà chẳng phải trải qua những gian khổ, thử thách, thất bại đôi ba lần hay thậm chí còn nhiều hơn thế. Mỗi lần thất bại, mỗi lần gặp khó khăn dường như tôi luyện thêm cho ta thêm tinh thần quyết tâm và chúng ta mới có được nhwungx bài học quý báu. Chính vì thế mà trong kho tàng tục ngữ Việt Nam, ông cha ta từng nói "thất bại là mẹ thành công".

Qua hình ảnh ẩn dụ “mẹ” dùng để chỉ nguồn gốc, nơi xuất phát, sinh ra. Ông cha ta đã khẳng định những thất bại, chính là nguồn gốc, nguyên nhân giúp dẫn đến thành công. Thực vậy, mỗi mục tiêu, mỗi nguyện vọng, mỗi con đường mà chúng ta cần chinh phục, thì đều phải đi qua không ít vật cản hay khó khăn. Theo đó, những thất bại đôi khi là điều khó tránh khỏi. Những thất bại ấy có thể khiến ta buồn bã, đau khổ, nhưng rồi nó cũng sẽ trở thành một phần của động lực mà thôi. Chính thất bại sẽ đem đến cho ta những bài học kinh nghiệm sâu sắc, quý giá. Nó sẽ là nhiên liệu thiêu đốt khát khao được chiến thắng, thúc đẩy ta càng thêm cố gắng, càng thêm miệt mài. Chính vì lẽ đó, sự thất bại sẽ là động lực dẫn tới thành công. Chẳng hạn như, đất nước Việt Nam ta trải qua bao lần đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Đau thương có, mất mát có, thất bại cũng có. Nhưng những điều ấy, chỉ khiến ý chí ta thêm sục sôi, khát vọng ta càng thêm mãnh liệt. Để những trận đánh sau càng thêm dũng mãnh hơn trận đánh trước. Và chiến thắng cũng theo đó mà thêm ngọt ngào.

Tuy nhiên, thật là sai khi ta cho rằng cứ là thất bại thì sẽ bồi đắp nên thành công. Đó là một suy nghĩ quá thiếu sót. Nếu chỉ biết ôm nỗi thất bại ấy mà đau khổ, mà trằn trọc thì thất bại mãi chỉ là thất bại, không có ngày chuyển mình. Quan trọng, là từ thất bại ấy, chúng ta nhìn ra được thiếu sót, sai lầm của bản thân, để rút ra kinh nghiệm, để hoàn thiện bản thân. Ngày đêm miệt mài phấn đấu để khắc phục những thứ khiến cho ta gặp phải thất bại, có như vậy thành công mới đến. Còn nếu chúng ta chỉ biết ngồi một chỗ gom góp thất bại, xếp thành núi để chờ bước lên đỉnh thành công, thì chờ đợi ở phía trước sẽ chỉ là vực sâu muôn trượng mà thôi.

Câu tục ngữ “Thất bại là mẹ thành công” là một lời dạy đúng đắn của cha ông, nhưng nó không phải là tất cả, là toàn diện. Bởi trong cuộc sống, để thành công, thất bại không phải là tất cả. Ngoài thất bại, ta còn cần nhiều thứ quan trọng hơn nữa. Đó là tài năng, là sự cố gắng, là sự chăm chỉ, là sự giúp đỡ… Những điều đó, còn quan trọng hơn sự thất bại cả nghìn lần. Vì phải có những tiên quyết ấy, ta mới có thể đạt được mục tiêu và ước mơ. Con thất bại, nó có thể không cần, vì không hề thiếu những trường hợp thành công từ ngay lần đầu tiên trong cuộc sống này. Hơn thế nữa, không phải bất kì thất bại nào cũng có thể trở thành viên gạch lót trên đường tới thành công. Vì cái đích đến được đặt ra vốn là không thể, là vĩnh viễn không thể đạt được dù bạn có thất bại bao nhiêu lần đi chăng nữa. Như Trụ Vương trong lịch sử đã bỏ ra rất nhiều, thất bại cũng rất nhiều để tìm cách được trường sinh, nhưng cuối cùng ông ta cũng phải chấp nhận đi theo quy luật của tạo hóa. Đặc biệt, đôi khi sự thất bại ấy cũng chính là dấu chấm hết cho tất cả, không có tương lai nào phía sau nữa. Như trường hợp một vận động viên, tự thực hiện thử thách ở đỉnh tòa nhà, sau đó không may qua đời. Thế là, sự thất bại ấy đã dừng lại toàn bộ tương lai phía trước. Qua đó, chúng ta đưa mình đến mặt chính của sự thất bại - đó là một điều tiêu cực. Bản lĩnh của chúng ta thực sự là biết chuyển hóa nó thành động lực giúp đạt được sự thành công. Chứ không phải là đặt sự kì vọng, trông chờ vào nó.

Là một học sinh, em nuôi dưỡng cho mình rất nhiều những ước mơ, từ ngắn hạn đến dài hạn. Câu tục ngữ đã giúp em có thêm những suy nghĩ, vạch ra cho mình kế hoạch để nỗ lực. Em sẽ làm theo những gì ông cha dặn “Thắng không kiêu, bại không nản”. Cố gắng hết sức mình. Dù gặp thất bại, thì sẽ lấy đó làm động lực, làm kinh nghiệm để tiếp tục nỗ lực.

Câu tục ngữ “Thất bại là mẹ thành công” thực sự là một nguồn động lực lớn lao cho chúng ta trong cuộc sống. Nó đã, đang và vẫn sẽ là một đạo lý, một nhận định, một lời dạy bảo thích hợp trong những lần thất bại.

Văn mẫu lớp 7 số 6 đề 3 - Bài 2

Trong cuộc sống của mỗi người không thể tránh khỏi những lần vấp ngã và thất bại. Nhưng điều quan trọng là sau mỗi thất bại đó bạn rút ra được bài học gì cho mình mới là quan trọng. Chẳng vì thế mà các cụ ta đã từng dạy con cháu một câu vô cùng thấm thía “Thất bại là mẹ thành công”.

Đây được coi là một câu nói mang một hàm nghĩa vô cùng sâu sắc chứa đựng một bài học kinh nghiệm to lớn mà cha ông đã từng đúc kết bao nhiêu thế hệ. Tuy chỉ có 6 từ thôi nhưng lại khiến cho chúng ta suy ngẫm không thôi. Trước hết ta cần phải hiểu thất bại là gì? Thất bại là những vấp ngã, những sai trái mà ta gặp phải trên đường đời. Còn thành công đó chính là những thành quả ngọt ngào mà con người gặt hái được nhờ sự cố gắng và phấn đấu của bản thân mình. Câu nói này có hai vế tưởng chừng như đối lập nhau thành công – thất bại. Nhưng nó lại có mối quan hệ hữu cơ, gắn bó mật thiết với nhau. Thất bại chính là mẹ của thành công. Có nghĩa là để đi đến thành quả ngọt ngào con người sẽ phải trải qua rất nhiều những lần vấp ngã và sai lầm. Thất bại gục ngã chính là những bài học xương máu để giúp con người gặt hái quả ngọt nhanh và bội thu hơn.

Thật vậy, trong cuộc sống của con người không phải ai cũng dễ dàng đạt được thành công cho riêng mình. Không nói đến những con người có bệ đỡ vững chắc thì hầu hết mỗi chúng ta đều phải trải qua một quá trình rèn luyện không ngừng nghỉ để đi đến đỉnh vinh quang. Ngạn ngữ phương Tây có câu “trên bước đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng”. Điều đó khẳng định một điều rằng tất cả những gì con người đạt được đều phải trải qua những đau khổ chông gai. Bằng chứng có thể kể đến đó là tấm gương của những nhà khoa học nổi tiếng thế giới như Thomas Edixon nhà vật lí học đã phát minh ra dây tóc bóng đèn. Ông đã trải qua cả ngàn thí nghiệm thất bại nhiều lúc ông đã muốn bỏ cuộc vì chán nản thế nhưng nhờ sự kiên trì cống hiến không biết mệt mỏi của mình ông đã tìm ra ánh sáng cho cả nhân loại. Nếu như không có những lần thất bại đó thì có lẽ con người vẫn còn phải chịu màn đêm tối tăm thêm một thời gian rất dài nữa, và cũng có lẽ loài người sẽ phải hứng chịu thêm rất nhiều những biến cố chứ không được một cuộc sống như ngày nay. Hay nhân vật ông họa sĩ già trong truyện ngắn “Chiếc lá cuối cùng” của Ohen- ri. Ông cụ đã trải qua rất nhiều những thất bại của nghề nghiệp, bốn mươi năm nhưng cũng không “bấu đến gấu áo” của nghệ thuật, ông kiếm sống bằng việc ngồi làm mẫu cho các cô cậu sinh viên vẽ tranh. Thế nhưng chính những công việc tưởng chừng vô cùng nhàm chán và vô vị đó đã giúp ông tìm được chân lí của nghệ thuật. Để ông tạo nên một kiệt tác để đời mang tên “chiếc lá cuối cùng”. Nó không chỉ thức dậy đam mê nghệ thuật, sự khát sống mãnh liệt trong cô gái trẻ Giôn –xi mà hơn thế nó còn chứa đựng một ý nghĩa nhân văn sâu sắc đó là nghệ thuật phải chấp cánh cho ước mơ của con người bay cao và bay xa hơn nữa. Một ngàn lần thất bại trong cuộc đời của ông lão đã tạo nên một trái ngọt tuyệt vời lúc cuối đời của ông. Lay động trái tim của rất nhiều độc giả cũng như đánh thức giá trị đích thực của nghệ thuật mọi thời đại.

Đồng nghĩa với câu tục ngữ trên thì trong kho tàng văn học Việt Nam còn có câu “Có công mài sắt có ngày nên kim” để nói về sự thành công và thất bại. Thành công và thất bại đôi khi nó chỉ cách nhau một bước mà thôi. Và nếu như bạn không bước qua bước cuối cùng đó thì mãi mãi bạn sẽ không nếm được mùi vị ngọt ngào của chiến thắng. Cũng như việc bạn giải một bài toán, ban đầu nó vô cùng khó khăn sẽ có những lúc rơi vào bế tắc hoàn toàn thế nhưng chính sự sai lầm nhiều lần đó sẽ giúp bạn tìm được một hướng đi đúng đắn cho riêng mình. Con người sinh ra không phải ai cũng có cho mình một con đường bằng phẳng để đi mà đôi khi nó còn phải trải qua rất nhiều những gập ghềnh sóng gió cả những lần vấp ngã nhưng hãy luôn tin tưởng rằng chúng ta sẽ vượt qua tất cả bằng niềm tin và ý chí của mình.

Trên thực tế cuộc sống quanh ta cũng có rất nhiều những tấm gương đáng để ta học tập và noi theo. Đó là những anh chị học sinh đã rất nhiều lần thất bại trong việc chinh phục cánh cổng đại học. Thế nhưng chưa bao giờ anh chị nản lòng thậm chí còn càng đặt quyết tâm cao độ để chinh phục nó và trái chín ngọt ngào là những danh hiệu thủ khoa, á khoa tiêu biểu. Không chỉ trong học tập mà ngay cả trong lĩnh vực kinh doanh cũng có rất nhiều những rủi ro, những lần thất bại đến mức tay trắng. Nhưng nếu bạn không liều lĩnh không đủ ý chí thì có lẽ cả đời bạn sẽ không bao giờ chạm tay được đến đỉnh vinh quang. Chúng ta là những người còn rất trẻ cuộc sống là rất dài và sẽ phải trải qua rất nhiều biến cố nữa. Nhưng chúng ta hãy đừng bao giờ đánh rơi khát vọng của chính mình. Hãy học cách chấp nhận và vượt lên hoàn cảnh, bởi hoàn cảnh chính là những bước đệm vững chắc nhất để chúng ta chinh phục thử thách.

Câu tục ngữ chứa đựng một bài học sâu sắc mà rất nhiều người chúng ta cần phải suy ngẫm. Thành công và thất bại là hai phạm trù ta sẽ phải gặp rất nhiều lần trong đời, trong đó thất bại sẽ nhiều hơn và khiến bạn nản chí hơn. Song hãy vững bước vững lòng tin bởi một ngàn thất bại bạn gặp sẽ cho bạn một thành công vô cùng ngọt ngào và lí tưởng.

Văn mẫu lớp 7 số 6 đề 3 - Bài 3

Ngạn ngữ phương Tây có câu: "Trên bước đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng" hàm ý rằng chỉ có sự chăm chỉ, lòng kiên trì mới giúp con người vươn tới thành công. Tục ngữ Việt Nam cũng có câu nhắc đến nguồn gốc của thành công nhưng thấm thía và sâu sắc hơn: "Thất bại là mẹ thành công"

Thành công là gì? Đó là mục tiêu chúng ta đạt được mà trước đó đã đặt ra trong cuộc sống của mình. Bạn mong muốn năm nay bạn sẽ đạt danh hiệu học sinh giỏi, cuối năm bạn đã được điều đó. Vậy là bạn thành công rồi đấy! Ngược lại, thất bại là khi chúng ta không đạt được mục đích đã đề ra.

Thành công và thất bại, chúng đối lập nhau sâu sắc, tưởng chừng giữa chúng không có mối quan hệ nào. Nhưng kinh nghiệm của dân gian ta đã chỉ ra rằng: Thất bại là mẹ thành công. Nghĩa là giữa hai yếu tố này có mối quan hệ hữu cơ, mật thiết. Nói theo cách khác: Thất bại là nhân tố tạo ra thành công.

Thật vậy! Trong thực tế, để có được thành công, ai cũng từng trải qua thất bại, không ai giành được thành công lớn ngay từ đầu. Để có được điểm mười tuyệt đối, chắc hẳn bạn đã làm sai dạng đó một vài lần. Trước khi cho ra đời những con tiện đẹp mắt, người thợ tiện cũng đã nhiều lần bị trầy xước ở bàn tay và tạo ra những con tiện có hình thù méo mó, sai kích thước. Những bậc vĩ nhân cũng vậy. A. Nô-ben từng làm nổ phòng thí nghiệm vài lần trước khi chế tạo ra được loại thuốc nổ hoàn hảo của mình. Lu-I Patx-tơ cũng đã vài lần thất bại trước khi tìm ra loại vắc xin phòng bệnh dại. Hay như A. Anh-xtanh, bộ óc vĩ đại nhất của thế kỉ XX, thở nhỏ ông lại bị coi là chậm phát triển do thành tích học tập quá... "bê bết!"... Nhưng với tất cả mọi người, dù là người thường hay bậc vĩ nhân, điều quan trọng là sau những thất bại, chúng ta nhìn thẳng vào đó để tìm nguyên nhân và rút ra những bài học quý giá. Những kinh nghiệm ấy vô cùng quý báu, nó là tri thức cho những lần thực hành sau giúp ta thực hành thành công.

Không chỉ vậy, thất bại còn là động lực để chúng ta tiếp tục tìm tòi, học hỏi. Những người thực sự khao khát học hỏi, khám phá thế giới thường có lòng tự trọng rất cao. Trong số họ, ít ai dễ dàng chịu đầu hàng. Thất bại khiến niềm kiêu hãnh và lòng tự trọng của họ bị tổn thương. Chính điều đó thúc đẩy họ tìm tòi, học hỏi và làm việc nhiều hơn nữa để thực hiện bằng được công việc của mình. Bà Tống Khánh Linh sau khi sang Mĩ du học, trong kì thi vấn đáp đầu tiên bà bị những người bạn ngoại quốc mỉa mai: "Trung Quốc là một bãi rác, một bãi rác lớn". Kì thi đó bà thất bại. Nhưng Tống Khánh Linh đã không ngừng học tập và ở kì thi sau và đỗ với số điểm rất cao. Tương tự như vậy, trong thực tế, có những học sinh học kém vì lòng tự trọng, quyết không thua kém bạn bè đã cần cù học hỏi và trở thành những học sinh giỏi, vượt xa nhiều bạn cùng lớp.

Con đường học tập là con đường nhiều chông gai vất vả, rất khó tránh khỏi những thất bại: Không giải được bài toán, không viết được bài văn, không được điểm cao trong bài kiểm tra, không đạt danh hiệu học sinh giỏi... Nhưng khi thấu hiểu tư tưởng câu tục ngữ "Thất bại là mẹ thành công" chúng em sẽ nỗ lực để vượt qua những thất bại tạm thời để nỗ lực hơn vì những thành công lớn ở phía trước.

Văn mẫu lớp 7 số 6 đề 3 - Bài 4

Trong học tập, lao động hằng ngày ta thường gặp những khó khăn trở ngại, thậm chí có lúc bị thất bại. Song chính sự thất bại đã làm cho con người trưởng thành, giàu kinh nghiệm và vững vàng đi tới chiến thắng. Vì thế, tục ngữ xưa đã có câu: "Thất bại là mẹ thành công".

Câu tục ngữ thật ngắn gọn nhưng đã sử dụng cách nói so sánh. So sánh thất bại - không đạt được mục đích, với thành công - thực hiện được mục đích đề ra. Lời nói trên mới nghe như chứa một mâu thuẫn. Nhưng nếu giải thích ta có một ý nghĩa rất thực tế. Thất bại là kết quả xấu, là thiệt hại, hư hỏng. "Mẹ" ở đây có ý nói là lớn, là đầy hiệu lực. Đó là một lời khuyên để mọi người vững chí bền lòng, kiên trì không nản trước khó khăn thất bại. Nếu biết học tập rút kinh nghiệm thì "thất bại" sẽ dạy cho ta cách đạt tới kết quả cao hơn. Vì sao lại nói "Thất bại là mẹ thành công"?

Đối với người nản chí thì không đúng như vậy, nhưng đối với những người bền chí, kiên trì thì quả là đúng. Vì sau thất bại, người ta sẽ rút ra được những kinh nghiệm quý báu để không còn thất bại nữa. Ngoài ra, thất bại còn rèn luyện ý chí vươn lên cho mỗi người. Đã bao lần bạn vấp ngã mà có thể bạn không hề nhớ. Lần đầu tiên chập chững bước đi, bạn đã bị vấp ngã. Lần đầu tiên chơi bóng bàn, bạn có đánh trúng bóng không?...Bất cứ một kết quả nào cũng có những nguyên nhân, lí do riêng do đó thất bại cũng có lí do riêng.

Muốn đổi thất bại lấy thành công thì phải lấy sự thất bại làm bài học cho mình, rút kinh nghiệm cho mình. Tuy nhiên để làm được điều đó người ta phải thật sự nỗ lực học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm cho bản thân. Có như vậy chúng ta mới không vấp ngã những lần tiếp theo. Vậy tại sao ta phải kiên trì bền bỉ trước những khó khăn thất bại? Đó là vì cuộc sống khó tránh khỏi những khó khăn.

Khi ta làm một việc lớn thì khó khăn lại càng lớn. Khó khăn có thể do chủ quan hoặc khách quan gây nên. Khi gặp khó khăn, thất bại mà ngã lòng thì sẽ thất bại hoàn toàn, mất hết ý chí, ảnh hưởng đến công việc và cuộc đời. Ngược lại, nếu vững vàng, lấy thất bại làm bài học để rút kinh nghiệm thì ý chí vững vàng, kinh nghiệm dày dặn hơn, tiếp tục vươn lên và đạt được thành công.

Thực tế cuộc sống đã thể hiện điều đó. Vậy xin chớ lo thất bại. Điều đáng sợ hơn là chúng ta bỏ qua nhiều cơ hội chỉ vì không cố gắng hết mình. Lời khuyên đó giúp ta vững vàng trong cuộc sống. Chúng ta cần phải rèn luyện ý chí, sự kiên trì ngay từ khi còn nhỏ, cả những việc bình thường trong cuộc sống.

Chủ đề liên quan