Điện Biên Phủ - mồ chôn kinh hoàng của thực dân Pháp

  • 1 Đánh giá

Chiến tranh đã qua đi được gần 50 năm kể từ ngày quân Mĩ chính thức rút khỏi miền Nam Việt Nam; được 64 năm kể từ ngày trận chiến Điện Biên Phủ kết thúc nhưng trong kí ức của những người lính còn may mắn sống sót sau thời kì kinh hoàng ấy là hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng của quân đội Việt Minh bay trên nóc hầm của tướng Christian de Castries. Lá cờ đỏ sao vàng ấy đã đặt dấu chấm hết cho mộng tưởng khuất phục Đông Dương và Việt Nam của thực dân Pháp.

Cuộc chinh phạt Việt Nam của thực dân Pháp bắt đầu từ những năm 50 của thế kỉ XIX. Ngày 1/9/1858, Pháp đã nổi phát súng đầu tiên tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam ở cửa biển Đà Nẵng. Hơn 100 năm sau, người Pháp mặc dù giành được chính quyền, thiết lập được một bộ máy chính trị và một chế độ cai trị của họ thế nhưng họ không hoàn toàn khuất phục được hết những con người yêu nước trên mảnh đất này. Chớp thời cơ, quân và dân ta đã giành được chính quyền và lập ra nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào năm 1945. Nhưng Pháp vẫn chưa từ bỏ ý định xâm lược Việt Nam và chúng quyết tâm cướp đất Việt một lần nữa. Nhưng điều ấy của chúng không thể thành được hiện thực.

Sau Cách mạng tháng Tám thành công, người Pháp liên tục có những động thái khiêu khích và ngày càng tỏ rõ âm mưu xâm lược trở lại. Trước tình hình ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến như một bài hịch ngắn khơi dậy trong lòng những người Việt Nam ý chí căm thù và lòng quyết tâm đánh trả thực dân Pháp. Pháp liên tục thất bại các kế hoạch quân sự với các chiến dịch Việt Bắc thu đông năm 1947, chiến dịch Biên giới năm 1950 và cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953-1954. Cả 3 chiến dịch: chiến dịch thu đông 1947; Biên giới 1950 và cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953-1954 đã đánh bại cuộc tiến công quy mô lớn của địch, phá sản kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh của chúng, bảo vệ cơ quan lãnh đạo đầu não của ta đồng thời làm thay đổi cục diện chiến tranh, giành quyền chủ động chiến lược trên chiến trường.

Trước những thất bại đau đớn ấy, thực dân Pháp đã quyết dồn lực lượng để xây dựng một kế hoạch quân sự mới - kế hoạch Nava dự định giành thắng lợi quân sự có ý nghĩa chiến lược trong vòng 18 tháng làm cơ sở buộc ta khuất phục trên bàn đàm phán. Đây cũng là những nỗ lực cuối cùng để mở lối thoát danh dự cho Pháp trong cuộc chiến ở Việt Nam. Điện Biên Phủ lúc đầu không trong kế hoạch Nava nhưng cuối cùng lại trở thành trung tâm của kế hoạch ấy và chúng coi đây sẽ là nơi nghiền nát chủ lực Việt Minh. Điện Biên Phủ vì thế mà trở thành tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương lúc bấy giờ, đồng thời với địa thế lòng chảo của Điện Biên Phủ, tướng Nava tự tin rằng đây sẽ là cứ điểm bất khả xâm phạm, là con nhím không thể chết của chính phủ Pháp.

Cũng theo đó, Pháp tập trung hỏa lực, tinh lực và quân đội tại Điện Biên Phủ với 16200 quân, gồm 17 tiểu đoàn, 12 đại đội bộ binh, 3 tiểu đoàn trọng pháo 105 và 155 ly; 2 tiểu đoàn công binh, 2 đại đội xe tăng M24 rồi dần dà dây thép gai và trận địa đã được củng cố một cách vững chãi. Có thể nói, xâm nhập và đánh bại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ lúc bấy giờ gần như là bất khả thi.

Thế nhưng, với quân và dân Việt Nam, những con người yêu chuộng hòa bình và quyết tâm sắt đá với khao khát giải phóng dân tộc đến cháy bỏng thì không có gì là không thể làm được. Lần đầu tiên trong cuộc chiến, quân đội ta đã sử dụng hàng trung đoàn trọng pháo 105 ly và pháo cao xạ 37 ly. Dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi ấy ông mới chỉ có 44 tuổi nhưng đã có hơn 10 năm kinh nghiệm chỉ huy và thực chiến theo lối chiến tranh du kích, quân và dân ta đã liên tiếp công kích, tấn công kẻ thù tại ngay tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, nơi mà chúng tự tin nhất. Ta đã chấp nhận cuộc chiến trận địa đầu tiên cũng là trận chiến lớn nhất trong chiến tranh Đông Dương. Quân ta được lệnh nổ súng tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ngày 13/3/1954. Suốt 55 ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vác, máu trộn bùn đen mà gan không núng, chí không mòn đã làm nên một thiên sử vàng cho dân tộc ta. Thế bị động của địch đã lộ rõ, chúng liền nhảy dù vào thung lũng Điện Biên Phủ cách xa căn cứ hòng tiêu diệt lớn quân chủ lực ta và bảo vệ cho chế độ tay sai Lào. Nhưng điểm hẹn lịch sử đã được định đoạt. Qua ba giai đoạn tiến công, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, pháo đài thép không thể bị chiến bại đã bị đập nát và tiêu diệt toàn bộ. Tướng Christian de Castries cùng bộ tham mưu phải đầu hàng.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc chiến lược Đông Xuân 1953-1954 của Nava xoay chuyển mau lẹ cục diện chiến tranh tác động mạnh đến chính sách xâm lược ở chính quốc tạo đà và thế cho kế hoạch ngoại giao của ta. Thực tế chiến thắng Điện Biên Phủ đã đánh chìm hẳn con tàu của thực dân Pháp khiến chúng kinh hãi trước tinh thần và sức mạnh của nhân dân Việt Nam. Ngày 7/5/1954, Thứ trưởng Quốc phòng Tạ Quang Bửu thay mặt nước ta kí vào bản hiệp định Giơ-ne-vơ đem lại hòa bình cho ba nước ở bán đảo Đông Dương.

Lời thề năm xưa của quyết tử quân Hà Nội đã thành hiện thực, hẹn ngày về thủ đô. Một cuộc chiến tranh nhân dân nối tiếp truyền thống Bạch Đằng, Hàm Tử, Trương Dương, Chi Lăng, Vạn Kiếp của các đấng tiên liệt đã làm cho đối phương mạnh hơn hẳn hàng trăm lần đã phải thay thủ tướng tới 20 lần, 7 vị cao ủy, 8 tổng tư lệnh mà kết quả là thất bại thảm hại. Nhân dân ta vui sướng trào nước mắt đón những đứa con yêu trở về thủ đô để rồi một thập kỉ sau lại gạt nước mắt tiễn đưa con em họ tiếp tục cuộc trường chinh chống Mĩ kéo dài giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.


  • 13 lượt xem
Cập nhật: 07/09/2021

Xem thêm bài viết khác

Xem thêm Văn mẫu lớp 8