Nam quốc sơn hà là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của đất nước ta. Hãy chứng minh bằng một bài văn ngắn

  • 1 Đánh giá

Phần tham khảo mở rộng

Câu 1: Chứng minh Nam quốc sơn hà là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dất nước ta

Bài làm:

Trong quá trình dựng xây và phát triển, dân tộc ta đã đi qua biết bao thăng trầm lịch sử, phải đối đầu với nhiều kẻ thù luôn lăm le và muốn xâm phạm chủ quyền. Nhưng với tài trí của các anh hùng hào kiệt, tinh thần đoàn kết toàn dân, chúng ta vẫn giữ vững được nền độc lập cho dân tộc cho đến hôm nay. Và trong niềm tự hào ấy, bài thơ Nam quốc sơn hà dõng dạc vang lên như lời tuyên ngôn độc lập đầu tiên của đất nước Đại Việt:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

Bài thơ được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt, lời thơ cô động và súc tích với những lí lẽ đanh thép. Mở đầu bài thơ là lời khẳng định chủ quyền đanh thép: Sông núi nước Nam, vua Nam ở. Đó như lĩ lẽ hiển nhiên bởi đất nước Nam phải do người Nam cai quản. Trong đó đáng lưu ý ở chữ “đế” chứ không phải chữ “vương”. Xuất phát từ thế giới quan coi Trung Hoa là trung tâm thiên hạ, vua các triều đại phong kiến nước này (kể từ Tần Thủy Hoàng) đều lên ngôi Hoàng đế để khẳng định ngôi vị độc tôn bá chủ thiên hạ của mình, với sứ mệnh cai trị các dân tộc ở bốn phương xung quanh được coi là “Man-Rợ-Di-Địch”. Từ đó dẫn đến sự phân biệt rạch ròi giữa “Đế” và “Vương”: “Đế” là Hoàng Đế Trung Hoa - thiên tử độc nhất trong thiên hạ; còn “Vương” là vua các nước chư hầu - tức bầy tôi của “Đế” và do Hoàng Đế Trung Hoa phong cho hay chấp nhận. Vì vậy, dùng chữ “đế” mà không dùng chữ “vương” ở câu thơ thứ nhất trong bài thơ cho thấy thái độ ngang hàng trong ý thức về dân tộc của người Việt. Qua đó, ta thấy được ý thức về về dân tộc, đất nước của người Việt từ đầu thế kỉ XI đã được xác định rõ ràng. Đó là tư thế bình đẳng, ngang hàng, tư tưởng độc lập về chính trị giữa hai quốc gia. Bởi đây là một dân tộc độc lập, tự cường, không phụ thuộc vào quốc gia nào khác. Lời thơ đã toát lên lòng tự hào và tình yêu với đất nước của tác giả và nhân dân ta.

Ở câu thơ thứ hai, Lí Thường Kiệt đã khẳng định về ranh giới, bờ cõi nước Nam được phân chia rõ ràng ở sách trời. Việc sử dụng ý niệm về đấng tối cao, có màu sắc thần linh khiến câu thơ thêm phần kì ảo và càng khẳng định sâu sắc hơn về chủ quyền dân tộc: Đất nước Nam được hình thành và có bờ cõi rõ ràng là hợp với ý trời.

Với những lí lẽ đanh thép đưa ra để khẳng định chủ quyền dân tộc, ở hai câu thơ cuối tác giả đã tỏ rõ ý chí, quyết tâm bảo vệ dân tộc trước mọi kẻ thù có ý định xâm lăng:

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

Câu thơ đã thể hiện thái độ căm giận của tác giả với câu hỏi: Giặc dữ cớ sao phạm đến đây? Từ “nghịch lỗ” có nghĩa là lũ giặc ngạo ngược, nghịch đạo, xâm phạm chủ quyền của quốc gia khác. Và tác giả khẳng định, với việc làm trái đạo lí đó, nhất định bọn chúng sẽ phải chuốc lấy thất bại. Đó là cái kết cục xứng đáng cho những kẻ phạm vào sách trời, phạm vào đấng linh thiêng, coi thường chân lý, lẽ phải! Câu thơ vừa là một đòn tấn công mạnh mẽ giành cho kẻ thù xâm lược vừa có ý nghĩa khích lệ tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm của nhân dân với Tổ quốc...

Chỉ với bốn câu thơ ngắn gọn, súc tích nhưng tác giả đã đã làm sáng tỏ quyền dân tộc cơ bản đó là chủ quyền và phạm vị lãnh thổ thiêng liêng của một đất nước. Giọng thơ hùng hồn, đanh thép thể hiện lòng tự hào, tự tôn dân tộc và niềm khao khát, ý chí mãnh liệt. Bài thơ xứng đáng là tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc ta!

  • 37 lượt xem
Cập nhật: 07/09/2021

Xem thêm bài viết khác

Xem thêm Ngữ văn 7 tập 1