Đề 2: Thuyết minh một tác giả văn học - văn học 10

  • 1 Đánh giá

Văn mẫu 10 - bài viết số 6 đề 2: Thuyết minh một tác giả văn học. Sau đây, KhoaHoc gửi đến cho bạn đọc những bài văn mẫu hay nhất, mời các bạn cùng tham khảo.


Nội dung bài gồm:

Back to top

Bài mẫu 1: Thuyết minh một tác giả văn học - Nguyễn Trãi

Bài làm

Theo nhận định của các nhà sử học, dân tộc Việt Nam có tất cả ba bản Tuyên ngôn độc lập trong suốt chiều dài lịch sử của mình. Đó là bài thơ Nam quốc sơn hà (năm 891), Bình Ngô đại cáo (năm 1428) và bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình. Trong đó, Bình Ngô đại cáo là bài cáo do Nguyễn Trãi soạn thảo, viết bằng chữ Hán vào mùa xuân năm 1428. Không chỉ xuất sắc về sự nghiệp thơ văn, Nguyễn Trãi là một nhà văn hoá lớn, có đóng góp to lớn vào sự phát triển của văn học và tư tưởng Việt Nam.

Nguyễn Trãi hiệu là Ức Trai, quê ở xã Chi Ngại, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, sau dời về xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây. Cha ông là Nguyễn Phi Khanh, một nho sinh nghèo, học giỏi, đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ) đời Trần. Mẹ ông là Trần Thị Thái, con quan Tư đồ Trần Nguyên Đán, một quý tộc đời Trần.

Lên sáu tuổi, mất mẹ, lên mười, ông ngoại qua đời. Năm hai mươi tuổi, 1400, ông đỗ Thái học sinh và cùng cha ra làm quan cho nhà Hồ. Năm 1407, giặc Minh cướp nước ta, Nguyễn Phi Khanh bị giặt bắt đưa sang Trung Quốc. Nguyễn Trãi cùng một người em trai đi theo chăm sóc cha. Đến biên ải, nghe lời cha khuyên, ông quay trở về, tìm cách “trả thù cho cha, rửa nhục cho nước”, nhưng rồi lại bị giặc Minh bắt giữ. Sau đó, ông thoát ra được và lặn lội nhiều nơi tìm người minh chủ để chung sức diệt giặc. Ông tham gia khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi khởi xướng, dâng lên “Bình Ngô sách” (Sách lược đánh quân Minh) và trở thành trợ thủ đắc lực của Bình Định Vương trong suốt mười năm chiến đấu. Ông được phong làm Tuyên phụng đại phu Hàn lâm thừa chỉ, thường cùng dự bàn mưu lược nơi màn trướng. Sau đó lại được phong Triều liệt đại phu Nhập nội Hành khiển, Lại bộ Thượng thư kiêm Hành Khu mật viện sự. Với vai trò là quân sư cho thủ lĩnh Lê Lợi, một tay ông soạn thảo những thư từ, mệnh lệnh trong quân đội – đã trở thành những áng văn chiến đấu bất hủ – góp phần vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc.

Đầu năm 1428, sau khi quét sạch quân thù giành lại độc lập, Nguyễn Trãi hăm hở bắt tay vào xây dựng lại nước nhà thì bỗng dưng bị nghi oan và bị bắt giam. Sau đó ông được tha, nhưng không còn được tin dùng như trước. Năm 1433, Lê Thái Tổ qua đời, Lê Thái Tông lên ngôi tuổi còn non trẻ, bọn quyền thần – vốn căm ghét Nguyễn Trãi vì ông quá ngay thẳng, trung thực, thường vạch trần những sai trái của họ – đã dèm pha với vua khiến ông nhiều lần suýt mang họa vào thân. Ông buồn, xin cáo quan về ẩn dật tại Côn Sơn (khoảng những năm 1437, 1438). Năm 1440, Lê Thái Tông chấn chỉnh lại triều đình, trừ khử những thế lực bất chính và mời Nguyễn Trãi trở ra giúp việc nước, giao cho ông nhiều công việc quan trọng. Ông đang hăng hái giúp vua, thực hiện hoài bão an dân thì bỗng xảy ra sự biến. Năm 1442, Lê Thái Tông đi duyệt binh ở Chí Linh và nhân tiện đến thăm Nguyễn Trãi (lúc đó đang ở Côn Sơn), trên đường về ghé nghỉ đêm tại Trại Vải (Lệ Chi Viên, Bắc Ninh), bất ngờ qua đời. Bọn gian tà ở triều đình, vốn chứa thù từ lâu với Nguyễn Trãi, liền vu cho ông âm mưu giết vua, kết tội tru di ba họ.

Năm 1464, Lê Thánh Tông xuống chiếu tẩy oan cho Nguyễn Trãi, truy tặng Đặc tiến kim tử Vinh Lộc đại phu, tước Tán Trù Bá, cho sưu tầm lại thơ văn ông và tìm người con trai còn sống sót cho làm quan, đến đời Lê Tương Dực, năm 1512, ông lại được truy phong tước Tế Văn Hầu.

Từ tiểu sử Nguyễn Trãi, có thể rút ra những nét đáng lưu ý sau đây về cuộc đời ông:

Nguyễn Trãi sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu nước thương dân và tình cảm nhân hậu rộng mở. Tâm hồn, nhân cách, chí hướng của cha và ông ngoại đã ảnh hưởng sâu sắc đến Nguyễn Trãi.

Nguyễn Trãi có rất nhiều năm tháng sống gân nhân dân (thời thiếu niên sống với cha trong nếp sống thanh bạch ở Nhị Khê, khoảng mười năm trôi nổi đi tìm minh chủ cứu nước, những năm chiến đấu gian khổ cùng nghĩa quân Lam Sơn, những năm về già), do đó ông thực sự hiểu biết về đời sống nhân dân lao động, cảm thông và có tình cảm gắn bó thắm thiết với họ.

Nguyễn Trãi đóng góp cho đất nước về nhiều mặt. Ông vừa là nhà chiến lược quân sự, nhà chính trị, ngoại giao, vừa là nhà văn hóa tư tưởng và là một tác gia văn học lớn. Tuy cuộc đời làm quan của ông gặp nhiều nghịch cảnh đáng buồn nhưng ông vẫn luôn giữ được chí hướng sắt son, tâm hồn trong sáng và nghị lực vững vàng vượt lên trên mọi thử thách.

Nguyễn Trãi để lại một khối lượng tác phẩm khá đồ sộ, nhưng văn chương của ông dường như cũng chịu chung số phận như con người, trải qua bao phen chìm nổi. Sau oan oán Lệ Chi Viên, tác phẩm của ông không còn nữa. Năm 1467, Trần Khắc Kiệm theo lệnh Lê Thánh Tông sưu tầm di cảo thơ văn Nguyễn Trãi. Việc làm này mất khá nhiều công sức, mãi đến năm 1480 bộ sưu tập mới hoàn thành. Tuy nhiên đáng tiếc là công trình quý giá này về sau lại bị thất tán. Mãi đến bốn thế kỉ sau, một học giả đời Nguyễn là Dương Bá Cung, người đồng hương với Nguyễn Trãi, mới dốc sức sưu tầm lần thứ hai trong khoảng hơn mười năm trời để hoàn thành bộ di văn của Nguyễn Trãi và được nhà Phúc Khê tàng bản khắc in vào năm 1861, với tựa để “Ức Trai thi tập”, gồm 7 quyển. Đây là di sản thơ văn Nguyễn Trãi còn giữ lại được đến ngày nay.

Về văn, Nguyễn Trãi để lại nhiều tác phẩm có giá trị: “Quân trung từ mệnh tập” là tập văn luận chiến nổi tiếng bao gồm những thư từ gửi cho các tướng giậc và những văn kiện ngoại giao với triều đình nhà Minh, trong đó Nguyễn Trãi đã sử dụng “đao bút” như một thứ vũ khí lợi hại “đánh vào lòng người” làm suy yếu tinh thần quân địch. “Bình Ngô đại cáo”, viết sau đại thắng năm 1427, là bản tổng kết xuất sắc quá trình kháng chiến mười năm, không chỉ thể hiện tinh thần yêu nước bảo vệ độc lập, truyền thống bất khuất chống ngoại xâm, còn đặc biệt nêu cao “chí nhân, đại nghĩa” như một giá trị văn hóa ngời sáng của dân tộc Đại Việt. Với bút lực hào hùng và lời văn truyền cảm mạnh mẽ, tác phẩm đã trở thành một áng “thiên cổ hùng văn”. Viết sau chiến thắng còn có “Lam Sơn thực lục” là quyển sử về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, “Dư địa chí” là sách địa lý lịch sử nước Việt, “Chí Linh sơn phú” nói về cuộc chiến đấu chống giặc Minh gian khổ và anh hùng. Các bài chiếu viết thay Lê Thái Tổ để dạy bảo thái tử, khuyên răn các quan, ban bố mệnh lệnh và bài “Biểu tạ ơn” dâng lên Lê Thái Tông khi Nguyễn Trãi lại được vua tin dùng lúc tuổi đã già đều chứa chan tâm huyết của tác giả đối với lý tưởng xã hội thân dân. “Băng Hồ di sự lục” ghi chép về sự nghiệp của Trần Nguyên Đán cho thấy tình cảm kính phục của Nguyễn Trãi dành cho ông ngoại và ảnh hưởng của Băng Hồ tướng công đối với tư tưởng và nhân cách Ức Trai. “Vĩnh Lăng thần đạo bi kí” là bài văn bia Vĩnh Lăng nêu bật công tích của Lê Lợi trong sự nghiệp cứu nước. tất cả những tác phẩm trên đều viết bằng chữ Hán.

Về thơ, có hai tập: “Ức Trai thi tập”, bằng chữ Hán, gồm 105 bài, sáng tác theo quy phạm truyền thống, và “Quốc âm thi tập”, bằng chữ Nôm, gồm 254 bài, có nhiều cách tân sáng tạo trong ngôn ngữ, thể loại cũng như cảm quan nghệ thuật về thiên nhiên, cuộc sống và là đóng góp lớn, có tính chất nền tảng cho thơ tiếng Việt buổi đầu. Hai tập thơ mang niềm vui, nỗi buồn, hoài bão, ưu tư của cả một đời Nguyễn Trãi, từ tuổi trẻ đến lúc về già, trong đó chan chứa tình điệu tâm hồn nhà thơ và tình điệu của cả quê hương, dân tộc.

Có thể nói, cuộc đời Nguyễn Trãi và sự nghiệp thơ văn của ông tựa như một ngôi sao khuê, tỏa sáng rực rỡ. Điều đáng quý nhất là giữa thế sự đảo điên, giữa chốn triều đình bon chen, ông vẫn giữ được cho mình sự lương thiện đáng quý, đáng trân trọng. Dù đã hàng trăm năm trôi qua, tài năng và tấm lòng của ông vẫn được người đời biết đến và nể phục.

Back to top

Bài mẫu 2: Thuyết minh một tác giả văn học - Nguyễn Du

Bài làm

“Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?”

Đó là nỗi niềm của một con người với trái tim muốn bao dung tất cả khi viết về nàng Tiểu Thanh tài hoa nhưng bạc mệnh. Và hẳn nhiên, trong tâm thức của của con người ấy, cũng có một nỗi lo sợ vô hình, sợ bị lãng quên, sợ bị ruồng rẫy, vì chính ông cũng là người có tài nhưng cuộc sống cũng chênh vênh. Con người tài hoa ấy chính là Nguyễn Du, đại thi hào của nền văn học Việt Nam và thế giới.

Nguyễn Du (1765 - 1820) tự là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, biệt hiệu là Hồng Sơn lạp hộ hay Nam Hải điếu đồ, quê tại làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, một mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, mảnh đất địa linh nhân kiệt, cũng là quê hương của nhiều bậc trí giả của Việt Nam. Ông sinh ra trong một gia đình đại quý tộc và có truyền thống về văn học. Cha ông là Nguyễn Nghiễm đậu nhị giáp tiến sĩ, làm quan đến chức Đại tư đồ tức Tể Tướng. Mẹ ông là bà Trần Thị Tần, con gái một người là chức câu kế, quê ở xứ Kinh Bắc, thuộc tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Nguyễn Du bị ảnh hưởng bởi giọng điệu ngọt ngào của những làn quan họ quê mẹ mà sau này ta còn bắt gặp rất nhiều trong những sáng tác của ông. Quê hương và gia đình chính là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn và tạo nên mảnh đất màu mỡ để tài năng của Nguyễn Du phát triển suốt thời kỳ niên thiếu.

Nguyễn Du sinh ra và lớn lên trong thời kỳ đầy biến động khi chế độ phong kiến khủng hoảng trầm trọng đang trên bờ vực của sự suy tàn và sụp đổ. Các tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh - Nguyễn tranh giành quyền binh gây ra các cuộc nội chiến kéo dài. Giai cấp thống trị thối nát, quan tham hoành hành, tàn bạo. Kéo theo đó là cuộc sống khốn cùng của nhân dân khi họ phải oằn mình với những thứ thuế vô lý, những đạo luật hà khắc, những cuộc bắt lính tòng quân làm tan nát biết bao gia đình. Và hệ quả tất yếu của những đè nén, áp bức là bão táp của các cuộc khởi nghĩa nông dân, đặc biệt phải kể đến cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân Lam Sơn do người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ chỉ huy. Sự suy đồi về đạo đức, lễ giáo phong kiến sụp đổ, đồng tiền trở thành thứ có thể quy đổi mọi giá trị khiến cho tầng lớp trí thức mất niềm tin hoàn toàn vào chế độ phong kiến. Chính những biến động lịch sử ấy đã tác động mạnh mẽ tới nhận thức và tư tưởng của Nguyễn Du. Ông thương xót cho tất cả kiếp người lầm than, dù họ là ai, xuất thân thế nào. Ông càng thương xót cho kiếp người tài hoa, tài tử mà bạc mệnh - những con người thù địch với chính chế độ mà họ đã từng dốc lòng phò tá. Đấy cũng là điều dễ hiểu, bởi lẽ chế độ phong kiến đã trải qua thời kỳ thịnh vượng, hoàng kim của mình và giờ là lúc nó bộc lộ rõ bản chất thối nát của mình. Sự phát triển của chế độ phong kiến không còn phù hợp với sự phát triển nhận thức của tầng lớp trí thức đương thời nên nó sẽ sụp đổ để rồi được thay thế bằng một chế độ khác, phù hợp hơn.

Bản thân Nguyễn Du là người thông minh, học rộng, biết nhiều. Sinh ra trong một gia đình đại quý tộc, cả cha và anh của ông đều làm quan lớn dưới triều Nguyễn nên đến tận năm 11 tuổi, Nguyễn Du vẫn được sống trong giàu sang, phú quý. Đây là quãng thời gian Nguyễn Du được chứng kiến sự sa đọa của chúa Nguyễn, những cuộc tranh đua, giành giật chốn quan trường nên ông nhận thức rõ ràng về cuộc sống, lễ nghi của tầng lớp quý tộc đương thời. Nhận thức ro ràng bao nhiêu ông lại càng thấy căm ghét nó bấy nhiêu. Thế nhưng sau quãng thời gian đó, cuộc đời Nguyễn Du thăng trầm, lên xuống theo sự biến động của dòng lịch sử. Năm 13 tuổi, Nguyễn Du mồ côi cả cha lẫn mẹ nên ông thấu hiểu nỗi đau đớn, lạc lõng của những đứa trẻ bơ vơ không cha, không mẹ. Đặc biệt quãng thời gian “mười năm gió bụi phong trần” (1776 - 1786) là thời gian Nguyễn Du lưu lạc, ăn nhờ ở đậu nơi quê vợ. Đây cũng là những năm tháng cùng cực, khổ sở, tủi nhục trong suốt cuộc đời của Nguyễn Du, đói không có cơm ăn, rét không có áo mặc. Ông tha hương, bơ vơ giữa cuộc đời đầy biến động. Những dòng tâm sự được ông viết trong thời gian này là sự dằn vặt, trăn trở của một con người nuôi chí lớn, khi nguyện ước chưa thành, khi chưa làm được gì rạng danh mà tóc đã bạc trắng:

“Mười năm trọn quê người nấn ná

Nương quê người tóc đã điểm sương”

Dù vậy, mười năm chìm nổi đất Bắc cũng là quãng thời gian ông đi nhiều, tiếp xúc nhiều với tất cả mọi hạng người. Nguyễn Du được sống gần dân, chứng kiến cuộc sống cơ cực, đau khổ của họ dưới sự đàn áp, bóc lột đến tận xương tủy của tầng lớp thống trị. Ông thấu hiểu và chia sẻ với nỗi đau của tất cả thập loại chúng sinh, từ trí sĩ, người giàu đến những con người lao động nhỏ bé đầy bất hạnh. Đặc biệt là trẻ em và phụ nữ. Dù là ai, khi chết đi họ cũng chỉ là những linh hồn cô đơn, nhỏ bé, tội nghiệp mà thôi. Có lẽ mười năm gió bụi phong trần là khoảng thời gian mang đến cho Nguyễn Du những trải nghiệm hoàn toàn khác với cuộc sống sung túc, giàu sang thuở thiếu thời để rồi ông có một vốn sống phong phú mở lòng để bao dung cho tất cả. Khó khăn cùng thăng trầm trong mười năm ấy chỉ là bước đệm để Nguyễn Du có tầm nhìn vượt thoát khỏi những ganh đua, những rào cản trong nhận thức bản thể của mình để mang tình thương vượt lên trên những định kiến hẹp hòi của chế độ, tiến đến với trái tim bao la của một vĩ nhân.

Năm 1802, khi Nguyễn Ánh lật đổ Nguyễn Huệ lên ngôi vua, Nguyễn Du được vời ra làm quan. Ông chấp nhận một cách miễn cưỡng bởi ông đã chán ghét chế độ phong kiến và nhìn rõ được bộ mặt của bọn quan lại. Cùng năm đó, ông được cử làm sứ giả sang Trung Quốc. Thời gian ở xứ người, Nguyễn Du suy ngẫm và sáng tác được thơ chữ Hán, ghi lại hành trình của mình. Năm 1820, ông được cử đi lần 2 nhưng chưa kịp đi thì ông bị bệnh và mất tại kinh thành Huế.

Trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình, Nguyễn Du đề cao tính nhân đạo, giá trị của con người, đặc biệt là người phụ nữ, người lao động thấp cổ bé họng - tầng lớp bị trị đau khổ. Ông sáng tác cả bằng chữ Hán và chứ Nôm. Với chữ Hán, Nguyễn Du để lại cho hậu thế 3 tập thơ là Thanh Hiên thi tập, Nam Trung tạp ngâm và Bắc hành tạp lục. Thanh Hiên thi tập (Tập thơ của Thanh Hiên) gồm 78 bài, viết chủ yếu trong những năm tháng trước khi làm quan nhà Nguyễn. Nam trung tạp ngâm (Ngâm nga lặt vặt lúc ở miền Nam) gồm 40 bài, viết khi làm quan ở Huế, Quảng Bình và những địa phương ở phía nam Hà Tĩnh. Bắc hành tạp lục (Ghi chép linh tinh trong chuyến đi sang phương Bắc) gồm 131 bài thơ, viết trong chuyến đi sứ sang Trung Quốc.

Với chữ Nôm, Nguyễn Du đã để lại một kiệt tác Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều), bài thơ Đọc Tiểu Thanh ký và vài bài văn tế. Với mỗi tác phẩm, Nguyễn Du lại mang tới cho người đọc những cảm nhận, trăn trở, suy tư về những kiếp người.

Thơ văn Nguyễn Du có giá trị hiện thực sâu sắc, phản ánh chân thực cuộc đời cơ cực của ông nói riêng, và xã hội đen tối, bất công nói chung. Đọc các sáng tác của Nguyễn Du, đặc biệt là truyện Kiều, ta sẽ thấy ông dựng nên bối cảnh của chế độ phong kiến thối nát, mục ruỗng khi cái xấu, cái ác lên ngôi và đồng tiền thì có sức mạnh vô biên. Đó là xã hội của những tên quan tham, làm việc bất chấp công lý, của những tay buôn người ghê tởm với những trò lừa lọc trở thành ngón nghề. Đồng tiền trong xã hội ấy có thể mua được đạo đức, công lý, thậm chí là cả nhân cách của một con người. Hiện thực xã hội hiện lên đen tối bao nhiêu thì tinh thần nhân đạo, tình yêu thương, luôn hướng tới đồng cảm, bênh vực, ngợi ca và đòi quyền sống cho con người, đặc biệt là người phụ nữ tài hoa mà bạc mệnh càng hiện lên chan chưa bấy nhiêu. Nguyễn Du đau với nỗi đau thân phận 15 năm truân chuyên của nàng Kiều, khóc thương cho nỗi tủi hờn bạc mệnh của nàng Tiểu Thanh, mong muốn cứu rỗi linh hồn cho thập loại chúng sinh thoát khỏi bể khổ nơi trần thế...Chịu ảnh hưởng sâu sắc của đạo Phật, trái tim của Nguyễn Du luôn hướng tới con người để tìm thấy những giá trị tốt đẹp ẩn sâu bên trong tạm bị che lấp bởi cuộc sống bon chen, xô bồ.

Nguyễn Du được coi là đại thi hào dân tộc vì những gì ông đã đóng góp cho sự phát triển của nền văn học nước nhà. Về thể loại, Nguyễn Du đã đưa hai thể thơ của truyền thống dân tộc đạt đến trình độ điêu luyện và mẫu mực cổ điển. Nguyễn Du đã tiểu thuyết hóa thể loại truyện Nôm, với điểm nhìn trần thuật từ bên trong nhân vật, và nghệ thuật miêu tả tâm lí tinh tế, sâu sắc. Về ngôn ngữ, Nguyễn Du đã có đóng góp to lớn, làm cho ngôn ngữ Tiếng Việt trở nên trong sáng, tinh tế và giàu có. Với Truyện Kiều, ngôn ngữ tiếng Việt đã đạt tới mức độ biểu đạt đỉnh cao với sự xuất hiện của vô số trường từ vựng với sắc thái biểu đạt tinh tế, đắt giá (trường từ vựng về màu sắc, về tâm trạng con người, về thiên nhiên....)

Nguyễn Du đã có những đóng góp to lớn, thúc đẩy tiến trình phát triển của văn học Việt Nam.

Có thể nói, Nguyễn Du là bậc kỳ tài của văn học Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung. Tài năng và tấm lòng của một con người luôn trăn trở về thân phận của người tài hoa nhưng mệnh bạc đã mang đến cho những sáng tác của ông một sức sống kỳ diệu vượt qua lớp bụi phủ thời gian mà vang vọng trong tâm trí của biết bao thế hệ một chân lý từ cổ chí kim ta vẫn thấy nó chẳng sai bao giờ:

“Trăm năm trong cõi người ta

Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau”

Back to top

Bài mẫu 3: Thuyết minh một tác giả văn học - Nguyễn Đình Chiểu

Bài làm

Nguyễn Đình Chiểu, tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai, sinh ngày 1-7-1822 tại làng Tân Thới, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định, nay thuộc phòng Cầu Kho, quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Thân sinh nhà thơ là Nguyễn Đình Huy, người xã Bồ Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên là Thơ lại Văn hàn ty của Tổng trấn Lê Văn Duyệt. Mẹ là Trương Thị Thiệt, người Gia Định.

Tuổi niên thiếu, Nguyễn Đình Chiểu từng chứng kiến cảnh loạn lạc của xã hội lúc bấy giờ. Những cuộc nổi dậy của đồng bào các dân tộc bị triều đình Huế đàn áp, đặc biệt là cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi tại Gia Định. Cuộc nổi dậy này đã gây ra những bão táp kinh hoàng trực tiếp đến gia đình Nguyễn Đình Chiểu. Nguyễn Đình Huy bỏ trốn ra Huế, bị cách chức, sau đó trở vào Nam đón Nguyễn Đình Chiểu, đem gửi cho một người bạn để ăn học. Cuộc sống 8 năm ở Huế đã giúp ông nhận rõ hơn sự thối nát và phức tạp của triều đình, đồng thời có điều kiện để tiếp thu truyền thống văn hóa dân tộc ở đất kinh đô.

Năm 1843, ông thi đỗ tú tài ở Trường thi Gia Định. Năm 25 tuổi, ông trở ra Huế học tập, chờ khoa thi năm Kỷ Dậu (1849), nhưng chưa kịp thi thì có tin mẹ mất. Trên đường trở về quê chịu tang mẹ, vì quá lo buồn, khóc thương, ông lâm bệnh và mù cả hai mắt.

Về đến Gia Định, sau khi mãn tang mẹ, ông tổ chức dạy học, bốc thuốc chữa bệnh và sáng tác thơ văn. Nhờ sống gắn bó với nhân dân, ông có điều kiện hiểu đồng bào của mình sâu sắc hơn. Chính trong thời gian này, Nguyễn Đình Chiểu sáng tác truyện thơ đầu tiên Lục Vân Tiên. Tác phẩm đề cập đến vấn đề đạo nghĩa ở đời, mang dấu ấn tự truyện, đã được nhanh chóng phổ biến rộng rãi. Một người học trò của ông là Lê Tăng Quýnh, vừa trọng nể tài năng và nhân cách, lại vừa thương cảm hoàn cảnh của thầy, đã đem gả người em gái là Lê Thị Điền cho ông. Ngày 17-2-1858, giặc Pháp chiếm thành Gia Định. Ông cùng gia đình chạy về quê vợ ở làng Thanh Ba, huyện Cần Giuộc. Cũng tại nơi đây, ông đã sáng tác áng văn bất hủ Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc ngợi ca chiến công anh hùng của những người "dân ấp dân lân" trong trận tấn công đồn Tây Dương, mà người bạn đồng khoa với ông là Đỗ Trình Thoại đã hy sinh cùng với 7 nghĩa quân khác. Tác phẩm Dương Từ - Hà Mậu dài 3.448 câu thơ mang nội dung phê phán âm mưu lợi dụng tôn giáo của kẻ địch, lên án những người thờ ơ, vô trách nhiệm trước cảnh nước mất nhà tan cũng được sáng tác tại đây

Khi 3 tỉnh miền Đông rơi vào tay quân Pháp, không chịu sống trong vùng chiếm đóng của giặc, Nguyễn Đình Chiểu cùng gia đình xuôi thuyền về làng An Đức, tổng Bảo An, tỉnh Vĩnh Long, nay là huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Tại đây, ông tiếp tục dạy học trò, bốc thuốc chữa bệnh cho dân, đồng thời vẫn giữ mối liên hệ chặt chẽ với những sĩ phu yêu nước như Phan Văn Trị, Nguyễn Thông và lực lượng kháng chiến. Khi được tin Trương Định hy sinh (19-8-1864), nhà thơ xúc động, viết bài Văn tế và Mười hai bài thơ liên hoàn điếu người anh hùng. Mười bài thơ điếu Đốc binh Phan Tòng hy sinh trong trận Giồng Gạch (1868) vốn gốc là hương sư, bạn bè thân thiết với ông, lời lẽ rất thống thiết, có những câu thơ tâm huyết như lời thề tạc vào đá: "Tinh thần hai chữ pha sương tuyết, khí phách ngàn thu rỡ núi non". Khi Phan Thanh Giản uống thuốc độc tự tử sau khi để mất 3 tỉnh miền Tây, ông làm thơ điếu họ Phan với ít nhiều ngụ ý phê phán.

Thời gian này, Nguyễn Đình Chiểu sáng tác nhiều thơ văn bi tráng nhất, tiếc thương những đồng bào, bạn bè, đồng chí đã ngã xuống vì sự nghiệp độc lập, tự do của Tổ quốc. Nổi bật là thiên hùng bút Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh. Tất cả tâm huyết của nhà thơ như dồn vào những câu đau xé lòng người: "Dân sa nước lửa bấy chầy, giặc ép mỡ dầu hết sức". Đồng bào ở đây kể lại rằng chính ông đứng ra làm lễ tế những nghĩa sĩ Lục tỉnh ngay tại chợ Ba Tri. Khi đọc xong bài điếu, nước mắt chảy ràn rụa và ông lăn kềnh ra nằm bất tỉnh.

Tác phẩm Ngư tiều y thuật vấn đáp được viết vào giai đoạn cuối đời với một bút pháp già dặn hơn và một niềm tâm sự sâu lắng, xót xa hơn trước cảnh đất nước bị "dưa chia, khăn xé", nhưng không hề tuyệt vọng.

Bến Tre không phải là nơi sinh của nhà thơ, nhưng lại là nơi vinh hạnh được ông chọn để sống, hoạt động trong suốt 26 năm đầy biến cố phức tạp vào giai đoạn cuối đời và đã vĩnh viễn gởi xương cốt tại đây. Người ta kể lại rằng ngày đưa đám ma ông, cả cánh đồng An Bình Đông, nay là An Đức, trắng xóa khăn tang của những bạn bè, học trò, con cháu xa gần, những thân chủ được ông chữa khỏi bệnh và những đồng bào quanh vùng hoặc đã chịu ơn ông, hoặc vì mến mộ, cảm phục một tâm hồn lớn, một nhân cách lớn.

Hơn một phần tư thế kỷ, sống trên đất Bến Tre, Nguyễn Đình Chiểu đã để lại cho nhân dân ở đây một ảnh hưởng to lớn và một di sản tinh thần vô cùng quý báu, góp phần tạo nên truyền thống kiên cường, bất khuất của một vùng đất anh hùng. Thơ văn của ông đã thấm sâu vào tâm hồn của nhiều thế hệ con người Bến Tre và ngưng đọng lại ở đó, biến thành một sức mạnh vật chất giúp họ có thể chiến thắng được mọi gian nguy, thử thách gay go và khốc liệt nhất.

Back to top


  • 4 lượt xem
Chủ đề liên quan