Soạn văn bài: Ôn tập truyện kí Việt Nam
Thể loại truyện và kí Việt Nam được sáng tác trong những năm 1930 - 1945 có giá trịnh hiện thực và tinh thần nhân đạo sâu sắc. KhoaHoc xin tổng hợp, tóm tắt những kiến thức trọng tâm và hướng dẫn soạn văn chi tiết các câu hỏi. Mời các bạn cùng tham khảo.
1. Lập bảng thống kê những văn bản truyện kí Việt Nam đã học từ đầu năm học theo mẫu sau:
2. Hãy nêu những điểm giống nhau và khác nhau chủ yếu về nội dung và hình thức nghệ thuật của ba văn bản trong các bài 2, 3 và 4.
Ba văn bản đó là: Trong lòng mẹ, Tức nước vỡ bờ, Lão Hạc.
a. Điểm giống nhau:
- Cả ba truyện đều viết bằng phương thức tự sự, và ra đời trong quãng thời gian 1930-1945.
- Có nội dung chan chứa tinh thần nhân đạo, viết về những con người đương thời nghèo khổ, bất hạnh.
- Đều có lối viết chân thực, gần gũi đời sống, sinh động (bút pháp hiện thực).
b. Điểm khác nhau:
- Khác nhau về thể loại: Trong lòng mẹ, thể loại hồi kí Tức nước vỡ bờ thể loại tiểu thuyết, Lão Hạc thể loại truyện ngắn.
- Khác nhau về đối tượng đề cập: Cùng thể hiện nội dung nhân đạo nhưng mỗi văn bản đề cập đến một đối tượng khác nhau.:
- Có người vừa nghèo khổ lại vừa bị hủ tục xô đẩy (mẹ con chú bé Hồng)
- Có người vì quá nghèo khổ phải đứng lên phản kháng lại (chị Dậu), có người lại chôn chặt nỗi đau ấy trong một cái chết thảm thương (lão Hạc)
- Về phương diện biểu đạt thì mỗi văn bản thể hiện sắc thái miêu tả, biểu cảm đậm nhạt khác nhau.
3. Trong mỗi văn bản của các bài 2, 3 và 4 kể trên, em thích nhất nhân vật hoặc đoạn văn nào? Vì sao?
Trong lòng mẹ:
Tình cảm yêu thương của chú bé Hồng dành cho mẹ đã khiến người đọc thực sự xúc động, đặc biệt là đoạn văn miêu tả chú bé gặp lại mẹ. Khi nói chuyện với bà cô, bé Hồng chịu bao nhiêu đau đớn, uất ức, nhưng vẫn lòng tin yêu mẹ. Nghe lời nói thứ nhất của bà cô, lập tức trong kí ức chú bé sống dậy hình ảnh người mẹ ở nơi xa, cơ cực, vất vả. Từ cử chỉ “cúi đầu không đáp” đến lúc cười và đáp lại: “năm nay thế nào mợ cháu cũng về” là một phản ứng thông minh xuất phát từ sự nhạy cảm và lòng tin yêu mẹ của chú bé. Chú đã nhanh chóng nhận ra ý nghĩa cay độc của lời bà cô và cố gắng giữ vững tình thương yêu và lòng kính mến mẹ. Và rồi, người mẹ của bé Hồng trở về đúng thời điểm quan trọng nhất, đã xua tan mọi đau đớn, dằn vặt trong tâm hồn chú bé. Mới chỉ thoáng thấy một bóng người giống mẹ, chú bé Hồng đã vội vã, bối rối, vừa chạy theo vừa gọi mẹ. Được ngồi lên xe cùng mẹ, chú bé “òa lên khóc rồi cứ thế nức nở” khiến cho người mẹ cũng “sụt sùi theo”. Cảm giác sung sướng của đứa con khi được ngồi kề bên mẹ, được ôm ấp trong lòng mẹ cứ dâng lên từng giây, từng phút. Cái cảm giác mình đang bé lại - hay niềm khát khao được bé lại - để làm nũng mẹ, để hưởng sự vuốt ve, chiều chuộng của mẹ cứ lâng lâng, tiếp nối khiến chú bé như đang sông trong mơ vậy. Mọi điều xấu xa, sai lệch mà bà cô gieo vào tâm hồn thơ dại của chú bé bay biến đi hết cả. Xung quanh, từ thế giới bên ngoài vào sâu trong tận cùng cõi tâm linh của chú bé và người mẹ dường như chỉ là niềm hạnh phúc giản dị mà thiêng liêng, hiện thực mà lãng mạn, đầy mộng mơ....
Tức nước vỡ bờ:
Chị Dậu vốn là người nông dân hiền lành, bé nhỏ. Gia đình đông con, chồng lại ốm yếu, mọi gánh nặng kiếm sống dồn lên đôi vai của chị. Chị nấu cháo, lấỵ quạt quạt cho cháo chóng nguội, ân cần mời chồng, an ủi chồng đang ốm “rề rề” ăn cháo. Trước sự chửi mắng và thái độ hách dịch côn đồ của tên cai lệ, chị đã nhún mình van xin “tha cho chồng”... Nhưng khi bị tên cai lệ “ bịch vào ngực”, “tát đánh bốp vào mặt”, anh Dậu sắp bị trói, chị Dậu đã “nghiến hai hàm răng” thách thức: "Mày trói chồng bà đi, bà cho mày xem!”. Với quyết tâm bảo vệ chồng, với sức mạnh và lòng dũng cảm, chị Dậu đã đánh ngã nhào hai tên côn đồ độc ác, những kẻ "hút nhiều xái cũ”. Chị căm giận phủ định mọi thế lực tàn ác của chính quyền thực dân. Chị nói với chồng sau khi đã trừng trị lũ đầu trâu mặt ngựa: “Thà ngồi tù. Để cho chúng làm tình làm tội mãi thế, tôi không chịu được... ”.Sự phản kháng của chị Dậu trong đoạn trích đã làm bừng sáng tinh thần của người nông dân không còn cam chịu, nhẫn nhục trước những áp bức mà vùng lên đấu tranh.
Lão Hạc
Truyện ngắn xoay quanh câu chuyện Lão Hạc bán con chó Vàng và bao nhiêu giằng xé, đau khổ sau đó của Lão. Đọc truyện ngắn ta có thể thấy trước khi bán cậu Vàng, Lão Hạc cũng đã có một hoàn cảnh vô cùng đáng thương, bi đát: vợ mất sớm, con trai yêu một cô gái trong làng nhưng vì không có tiền cưới vợ, cô gái thì lại đi lấy con trai của ông phó lí trong làng nên cũng phẫn chí mà bỏ đi tha phương, làm công nhân ở một đồn điền cao su. Lão Hạc chỉ còn lại cậu Vàng – con chó mà con trai Lão để lại. Như vậy, trước hết ta thấy con chó Vàng không phả là một vật nuôi mà với Lão Hạc nó là một người bạn thân thiết. Hiểu như vậy ta sẽ có căn cứ để hiểu về diễn biến tâm lí đầy phức tạp của Lão Hạc sau khi bán cậu Vàng. hi quyết định bán con chó, Lão Hạc đã rất đau khổ, day dứt vì: “ già bằng tuổi này đầu rồi mà còn đánh lừa một con chó”, “Lão cố làm ra vui vẻ. Nhưng trông lão cười như mếu và đôi mắt ầng ậc nước”. Lão tự trách mình là một người chủ bất nhân, một tên lừa đảo khi lừa một con chó vốn rất tin yêu mình. Lúc này trông lão thật tội nghiệp: “ Mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão nghẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc….”. Tiếng khóc của Lão hạc thật khiến người khác thấy thương cảm, tội nghiệp. Cũng có thể thấy lão thực sự rất yêu quý con chó nên khi lừa bán nó lão mới trải qua sự dằn vặt, đau khổ ghê gớm như vậy.
Như vậy, qua việc bán cậu Vàng, chúng ta nhận thấy Lão Hạc là một con người sống rất có tình nghĩa, không chỉ là một người cha có trách nhiệm, tự trách mình vì không làm tròn bổn phận của người cha, khiến con bỏ đi tha phương. Nhưng lão cũng là một người cha tuyệt vời, dù ốm đau, đói khổ thì lão cũng quyết không lấy tiền mà lão để dành cho con. Với cậu Vàng, Lão Hạc cũng là một người chủ đầy tình thương. Vì không còn lựa chọn nào khác mà lão đã phải bán đi cậu Vàng, sau đó tự trách mình, day dứt đau khổ.