Soạn bài Nói và nghe: Kể lại một truyện ngụ ngôn trang 21 Nói và nghe: Kể lại một truyện ngụ ngôn trang 21 - KNTT 7 tập 2

  • 4 Đánh giá

Soạn bài Kể lại một truyện ngụ ngôn

KhoaHoc mời các bạn cùng tham khảo nội dung Soạn bài Nói và nghe: Kể lại một truyện ngụ ngôn trang 21 sách KNTT 7 tập 2 được đăng tải trong bài viết dưới đây.

Em đã được học, được đọc về truyện ngụ ngôn. Hẳn nhiều truyện đã đưa lại cho em những ấn tượng sâu sắc vì bài học rút ra từ đó rất gần gũi, thiết thực. Em hãy kể lại một truyện ngụ ngôn, nêu ý nghĩa của câu chuyện và chia sẻ cảm xúc của mình.

1. Trước khi nói

a. Chuẩn bị

- Chọn truyện ngụ ngôn mà mình yêu thích. Ví dụ truyện: “Thầy bói xem voi”

- Nắm được cốt truyện, tóm lược nội dung.

- Lưu ý những chi tiết hình ảnh đặc sắc.

- Có thể sáng tạo thêm những cách diễn đạt thú vị hơn.

b. Tập luyện

- Tập trình bày trước nhóm bạn hoặc người thân và lắng nghe các ý kiến nhận xét.

2. Trình bày bài nói

Khi trình bày bài nói, em cần lưu ý:

- Mở đầu: Tạo không khí thoải mái, thu hút sự chú ý của người nghe.

- Triển khai: kể bằng lời kể sinh động, luôn tương tác với người nghe. Có thể sáng tạo khi kể.

* Bài nói mẫu tham khảo:

Kính chào thầy cô và các bạn.

Tôi vốn làm nghề thầy bói đã lâu nhưng chưa có tiếng tăm gì mấy nên không đắt khách cho lắm. Cùng đồng môn với tôi là bốn anh thầy bói cũng mù như tôi. Một cái chợ nhỏ mà có tới năm ông thầy bói nên đã ế lại càng ế. Hôm ấy, nhân buổi ế hàng, chúng tôi họp lại nói chuyện gẫu với nhau. Thấy tôi phàn nàn không biết hình thù con voi nó như thế nào, các thầy cũng nhao nhao có ý kiến. Đang thảo luận rôm rả, bỗng nghe có người nói có voi đi qua. Năm ông thầy bói chúng tôi chung tiền biếu người quản tượng, xin cho voi đứng lại để cùng xem.

Sốt ruột tôi và năm ông chỉ chờ người quản tượng đồng ý là xông vào lấy tay sờ mong tưởng tượng cho được hình dáng của con voi.

Trong khi tôi đang hí hoáy sờ, nắn thì đã nghe ông thầy bói thôn Đoài lên tiếng:

- Chao ôi! Tưởng con voi thế nào! Hoá ra nó sun sun như con đỉa.

Tôi chưa kịp ý kiến, ông thầy thôn Đông vội cãi:

- Ông nhầm rồi! Nó chần chẫn như cái đòn càn chứ.

Ông thầy thôn Hạ to mồm nói át ngay:

- Ai bảo thế! Nó bè bè như cái quạt thóc. Sao sai được.

- Nhầm! Nhầm hết! Nó như cái cột đình – Thầy thôn Thượng quát to.

Nghe mấy ông phát ngôn linh tinh, tôi cáu quá, giơ gậy lên hua hua:

- Bốn ông đều sai cả. Nó tun tủn như cái chổi xể cùn mới đúng!

Thế rồi chúng tôi không ai chịu ai. Không kiềm chế được mới xông vào đánh nhau sứt đầu mẻ trán. Đến khi người đi chợ chạy lại can ngăn chúng tôi mới dừng lại. Bây giờ tôi nghĩ lại càng thêm xấu hổ. Hoá ra tất cả chúng tôi đều sai cả. Chúng tôi mỗi người chỉ sờ một bộ phận của voi nhưng đã dám khẳng định đó là voi. Vòi, chân, tai, ngà, đuôi đúng là của voi thật nhưng đó mới chỉ là một bộ phận riêng lẻ, chưa phải là cả con voi. Giá như lúc đó chúng tôi tỉnh táo, bình tĩnh lắng nghe ý kiến của nhau, hỏi người quản tượng thì đâu đến nỗi xấu hổ và đau đớn như lúc này. Thật là một bài học nhớ mãi.

Cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe câu chuyện của tôi.

3. Sau khi nói

Trao đổi về bài nói và rút ra kinh nghiệm.

Soạn bài Nói và nghe: Kể lại một truyện ngụ ngôn trang 21 được giáo viên KhoaHoc hướng dẫn chi tiết nội dung từng bài học bám sát với nội dung chương trình học của SGK Kết nối tri thức với cuộc sống lớp 7. Chuyên mục Ngữ văn 7 KNTT tập 2 bao gồm tất cả các bài soạn văn trong chương trình học sách Kết nối tri thức với cuộc sống được giáo viên KhoaHoc biên soạn chi tiết nhằm hỗ trợ học sinh trong quá trình học tập và soạn văn 7.

  • 1.846 lượt xem