Nghị luận về văn học và tình thương Viết một bài văn nghị luận về văn học và tình thương lớp 8

  • 3 Đánh giá

Nghị luận về văn học và tình thương được Khoahoc sưu tầm và đăng tải. Bài văn Nghị luận về Văn học và Tình thương sẽ giúp cho các em học sinh hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa văn học và tình thương cũng như giá trị của văn chương trong đời sống. Các em hãy đọc bài viết dưới đây để rút ra cho mình những bài học ý nghĩa nhé!

Đề bài: Viết văn nghị luận về văn học và tình thương

1. Dàn ý văn học và tình thương

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: văn học và tình thương.

Lưu ý: học sinh được tự lựa chọn cách dẫn mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp phù hợp với năng lực của bản thân.

2. Thân bài

a. Khái quát chung về văn học

Văn học thế giới nói chung và văn học Việt Nam nói riêng mang những màu sắc, nội dung, chủ đề vô cùng phong phú, đa dạng qua nhiều thời kì khác nhau.

Mỗi một tác phẩm văn học mang nội dung, ý nghĩa, nghệ thuật, bài học khác nhau tùy thuộc vào cách cảm nhận, phân tích của mỗi người.

Văn học nuôi dưỡng và phát triển tâm hồn của con người, giúp con người hoàn thiện nhân cách.

Văn học là linh hồn, là tiếng nói riêng của mỗi quốc gia, góp phần làm nên bản sắc văn hóa dân tộc.

Văn học gắn bó và phản ánh cuộc sống của con người qua nhiều thời kì khác nhau đồng thời nêu lên quan điểm, tâm tư, tình cảm của tác giả cũng như con người.

b. Văn học và tình thương

Văn học nêu lên tình cảm của con người, của tác giả cũng như những ước muốn của những nhân vật, những con người ở trong một hoàn cảnh nhất định.

Văn học dạy con người biết yêu thương, học hỏi, trau dồi thêm nhiều tình cảm tốt đẹp, minh họa qua một số câu ca dao tục ngữ sau:

“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”

Hoặc câu:

“Thương người như thể thương thân”

Văn học còn phản ánh hiện thực con người từ đó nêu lên khát vọng, ước muốn của con người thông qua một số nhân vật, tác phẩm: Chị Dậu trong Tức nước vỡ bờ (trích Tắt đèn) của Ngô Tất Tố, Lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao,…

3. Kết bài

Khái quát lại tầm quan trọng của văn học trong việc bồi dưỡng tình cảm, tình thương của con người và liên hệ thực tiễn.

2. Nghị luận về văn học và tình thương

Nghị luận về văn học và tình thương mẫu 1

Trong truyện ngắn “Giăng sáng”, nhân vật Điền đã phải thốt lên: “Nghệ thuật không cần là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than”. Đúng vậy! Nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng phải gắn bó với con người và bộc lộ tình yêu thương với con người. Tình yêu thương chính là sự rung động, thấu cảm trước hoàn cảnh, con người. Người có tình yêu thương là người sống chan hòa với người khác, sẵn sàng giúp đỡ, cho đi mà không mong nhận lại. Yêu thương vô cùng quan trọng trong cuộc sống, mỗi chúng ta hãy sống, yêu thương người khác cũng như yêu thương chính bản thân mình. Yêu thương và đoàn kết là nền tảng để một dân tộc cùng sống và phát triển bao đời nay. Yêu thương là biết nghĩ, biết quan tâm chăm sóc và hướng tới người khác nhiều hơn. Yêu thương đủ nhiều biến con người trở thành người nhân hậu, cao cả, lớn lao hơn. Khi yêu thương nhiều hơn tức là cho đi nhiều hơn thì ta lại được nhận về nhiều hơn. sống với những người xung quanh bằng sự chân thành, ta sẽ nhận lại được những tình cảm quý trọng thương yêu, sự thành thật từ những người bạn… Yêu thương nhiều hơn còn là sống vị tha, bao dung, biết sẻ chia và làm cho cuộc sống tốt đẹp. Văn học thế giới nói chung và văn học Việt Nam nói riêng mang những màu sắc, nội dung, chủ đề vô cùng phong phú, đa dạng qua nhiều thời kì khác nhau. Mỗi một tác phẩm văn học mang nội dung, ý nghĩa, nghệ thuật, bài học khác nhau tùy thuộc vào cách cảm nhận, phân tích của mỗi người. Văn học nuôi dưỡng và phát triển tâm hồn của con người, giúp con người hoàn thiện nhân cách. Văn học là linh hồn, là tiếng nói riêng của mỗi quốc gia, góp phần làm nên bản sắc văn hóa dân tộc. Văn học gắn bó và phản ánh cuộc sống của con người qua nhiều thời kì khác nhau đồng thời nêu lên quan điểm, tâm tư, tình cảm của tác giả cũng như con người. Văn học nêu lên tình cảm của con người, của tác giả cũng như những ước muốn của những nhân vật, những con người ở trong một hoàn cảnh nhất định. Văn học dạy con người biết yêu thương, học hỏi, trau dồi thêm nhiều tình cảm tốt đẹp, minh họa qua một số câu ca dao tục ngữ sau:

“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”

Hoặc câu:

“Thương người như thể thương thân”

Văn học còn phản ánh hiện thực con người từ đó nêu lên khát vọng, ước muốn của con người thông qua một số nhân vật, tác phẩm: Chị Dậu trong Tức nước vỡ bờ (trích Tắt đèn) của Ngô Tất Tố, Lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao,…

Văn học và tình thương nên gắn liền với nhau và chỉ khi gắn liền với nhau chúng mới bộc lộ được hết ý nghĩa của mình và cống hiến cho xã hội những điều tốt đẹp nhất. Tác phẩm văn học từ trước đến nay đã nuôi dưỡng tâm hồn, tình yêu thương cho nhiều thế hệ con người. Chúng ta cần biết trân trọng những giá trị tinh túy của văn học cũng như sống giàu tình yêu thương để cuộc đời này nhiều ý nghĩa hơn.

Nghị luận về văn học và tình thương mẫu 2

Bạn vừa đọc một đoạn văn tả cảnh và bất chợt nhận ra vẻ đẹp của bông hoa nở trước hiên nhà, bạn vừa xem xong một quyển tiểu thuyết và thây yêu biết chừng nào cái góc phố dịu dàng với những người hàng xóm lương thiện... Văn chương đã đem đến tình thương cho tôi và cho bạn về những điều ngay ở bên cạnh, những điều diên ra trước mắt, những gì tưởng là nhỏ nhặt mà ta dễ bỏ quên. Có gì cao xa đâu, tình thương mà văn mang đến cho ta lại khởi phát từ chính sự chân thật của lòng ta. Văn học chỉ làm sứ mệnh kết nối và đánh thức tình thương của nhân loại, để trái tim tìm đến những trái tim, tâm hồn đến với những tâm hồn. Bằng chức năng chuyên chở tình thương, văn chương đã đến với cuộc đời như thế!

Nói đến văn là nói đến một phương tiện biểu đạt cảm xúc của con người, nói đến văn học là nói đến một ngành khoa học của văn chương. Nghiên cứu văn học chính là soi chiếu “ba chiều” đời sống lên “hai mặt phẳng” trang văn (Chế Lan Viên) để phân định mọi cung bậc tư tưởng, tình cảm của con người. Đừng hỏi hà. cớ gì chỉ có tình thương mà sao không phải là một loại tình cảm khác. Tình thương là cội nguồn của mọi cảm xúc vì nó xuất phát từ tấm lòng chân thành, và cũng là điểm đến cuối cùng mà con người cần đạt đến. Vì thế như một lẽ tất yếu, văn học là tấm gương phản hình đời sống thì phải khơi gợi được sâu xa nhất đời sống là tâm hồn con người, là tình thương. Văn học chuyên chở tình thương là văn học chân chỉnh!

Ầu ơ lời ru của mẹ, thoang thoảng giọng hò bên sông, đọc đôi câu đối đình làng... thế thôi là yêu, thế thôi là nhớ. Điều nhân bản nhất văn học mang đến cho con người là cái tình mến thương với cuộc đời bình dị. “Nắng cho đời nên nắng cũng cho thơ” (Huy Cận), để rồi văn thơ đã đi tiếp chặng hành trình của nó mang cái tình nồng đượm của đời đến với lòng người. Tình thương đời có lẽ là mối tình thuỷ chung chân thật nhất...

“Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới
Nước bao vây, cách biển nửa ngày sông”

Không cầu kì hoa mỹ, “Quê hương” của Tế Hanh hiện lên trong sự vây bọc của nỗi nhớ da diết, có gì đâu chỉ một làng chài ven biển như mọi ngôi làng khác, chỉ là hoạt động lao động rất đỗi bình thường, nhưng lòng mến thương của thi nhân đã là chất xúc tác biến kí ức thành loại men ngọt ngào. Bao quanh cái bình dị quen thuộc chợt trở thành hình ảnh biểu tượng với sức gợi lớn lao:

“Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió”

Cái đẹp đâu chỉ có từ nghệ thuật nhân hoá thế này hay khả năng liên tưởng thế nọ, cái đẹp nằm ở ngay đằng sau câu chữ, là lòng tự hào của nhà thơ về quê hương. Là mảnh đất, là dân chài, là cuộc đời lao động... tất cả đều tồn tại trong cánh buồm ấy, “cánh buồm gương to” biểu tượng cho lòng say mê, niềm khát vọng đối với đời sống bình dị mà đẹp đẽ ở chốn quê hương mình. Để rồi “nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ”, bởi đơn giản thôi, cái tình thương mến đã thấm vào máu thịt nên “khi ta đi đất đã hoá tâm hồn” (Chế Lan Viên).

Văn học từ đời sống đến thẳng với mọi người, với sức vang dội riêng của tâm hồn, bằng tiếng nói riêng của tình cảm. Từ tình thương đời đến tình thương người là cuộc hành trình tất yếu tạo nên giá trị nhân văn sâu sắc của văn học. Nó như nhân sự sông lên, làm cho người ta trong cuộc sống giới hạn của mình có thể bước qua ngưỡng cửa của hàng trăm cuộc đời khác, cùng vui buồn, ước mơ, lo toan với những con người khác. Ta vừa như quên mình, vừa như tự tìm ra mình trong sự đồng cảm bao dung ấy. Ai mà không xúc động trước hình ảnh của “cô bé bán diêm” giữa mùa đông tê tái, cứ từng hồi quẹt lên những que diêm để ngọn lửa nhỏ nhoi giữ lại những ước mơ đời thường. Ánh sáng của những que diêm hay ánh sáng của tình yêu và niềm hy vọng trong trái tim cô bé? Chính ánh sáng ấy đã lấy đi cảm giác về cái giá lạnh của trời đêm đang cướp dần sự sống ở trong em. Chính ánh sáng của trái tim lung linh như huyền thoại này đã khép lại câu chuyện bằng một hình ảnh tuyệt vời: hai bà cháu cầm tay nhau và vụt bay lên cao. Điều mà Anđécxen gửi gắm vào câu chuyện còn gì khác ngoài việc đánh động tình thương của con người. Tác giả để cho nụ cười đọng lại trên môi em như biểu tượng của tấm lòng vị tha, nhân hậu với cuộc đời. Nhưng đằng sau cuộc đời ấy là một cáu hỏi xót xa: tại sao một đứa trẻ không được mỉm cười bằng những hình ảnh tưởng tượng trước khi về với cõi chết? Chính người đọc phải tự tìm lấy câu trả lời.

Khơi gợi tình thương từ mặt trái của tình thương là cách tiếp cận với con người chua xót nhất. Không chua xót làm sao được khi hôm nay chỉ là cái bóng thầm lặng còn sót lại của “vàng son” hôm qua. “Ông đồ” của Vũ Đình Liên là tiếng thổn thức nhân bản trước sự tàn lụi của một nền văn hoá, sự tồn tại lay lắt của một nghệ sĩ tài hoa:

“Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường khống ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay”

Kết thúc bài thơ là câu hỏi khắc khoải vọng vào không gian, vọng đến lòng người:

“Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?”

“Cái di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn” (cách nói của Vũ Đình Liên) đã ra đi cùng với thái độ thờ ơ, lãnh đạm của người đời. Bài thơ nhẹ nhàng quá mà sâu nặng những nỗi cảm thương!

Thế giới thức tỉnh trong tôi, sự sống rạo rực trăn trở trong tôi và muốn tôi hoà tan vào trong thế giới ấy, muốn ban phát cho tất cả mọi người mà tôi càng thấy thêm gắn bó keo sơn bằng mối tình nhân loại. Tác động của văn học với con người là như thế! Qua “Chiếc lá cuối cùng”, O-Hen-ri không chỉ gửi thông điệp tình thương bạn đọc muôn thế hệ mà còn thể hiện lòng tin yêu mãnh liệt về con người, tin rằng tình người có thể làm thay đổi tất cả, kể cả cái chết. Bằng khao khát “một ngày kia tôi sẽ vẽ một tác phẩm kiệt xuất”, bằng tấm lòng nhân ái bao la, cụ Bơ-men đã “quên mình” để cứu lây sự sống cho Giôn-xi từ một “bức hoạ” đặc biệt: chiếc lá thường xuân trên bức tường. Bệnh lao phổi từ Giôn-xi, cái chết chực chờ của cô đã chuyển giao sang người hoạ sĩ già. Điều còn lại không phải là cái chết mà là nhân cách sống, nghị lực sống của những con người “biết” cải tạo hoàn cảnh và “dám’1 cải tạo hoàn cảnh cho mình và cho người.

Văn học chuyển tải tình thương và văn học là tình thương! Tình thương trong văn học là tấm lòng của nhà văn đối với nhân vật của mình, là những cảm xúc rung lên từ mỗi dòng văn, kiểu như “Nguyền Du viết Kiều như có máu giỏ trên đầu ngọn bút, nước mắt thấm qua từng trang giấy” vậy! Tình thương ấy tuy theo cách nhìn nhận của nhà văn nhà thơ đối với cuộc đời mà có nhiều sắc thái: một cảnh tình thương trong sáng với quê hương và con người lao động như “Quê hương” của Tế Hanh, một tình người bao la và niềm tin vững chắc vào con người như “Chiếc lá cuối cùng” của o Hen-ri, hay một trăn trở khắc khoải đến đau lòng vì sự dửng dưng, phủ phàng của người đời như trong “Cố bé bán diêm” của An- đéc-xen hay “Ông đồ” của Vũ Đình Liên. Nhưng rốt lại cùng vẫn là cái tình nhân loại.

Ta đứng giữa cuộc đời rộng lớn của nhân loại, hai chân ta đứng trên mặt đất, lòng ta toả rễ vào đời đế một ngày người ta hiểu ra rằng:

“Có gì đẹp trên đời hơn thế
Người yêu người sống để yêu nhau”

(Tố Hữu)

Đó là thông điệp mà văn học chân chính gửi đến con người từ muôn thế hệ.

Nghị luận về văn học và tình thương mẫu 3

M.Gooky nói “Văn học là nhân học”. Hành trình của văn học là hành trình đi từ trái tim người sáng tác đến trái tim độc giả. Tình thương là đạo lý sức mạnh của mọi dân tộc trên thế giới. Vậy nên, mang trong mình sứ mệnh cao cả là vì con người, văn học luôn gắn bó với tình thương.

Văn học là một bộ môn nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ để tái hiện đời sống. Qua văn học, người cầm bút thể hiện quan niệm, tư tưởng và gửi gắm tình cảm với con người, với cuộc đời. Tình yêu thương có thể ví như linh hồn của văn học, nó chứa đựng trong các cung bậc khác nhau. Tình thương là tình cảm giữa người với người. Đó là sự yêu mến, trân trọng, xót xa, đồng cảm. Nó xuất phát từ tấm lòng nhân ái và trái tim mỗi con người, hướng thiện và nhân đạo, nhân văn. Tình thương là sợi chỉ gắn kết cả cộng đồng, là thứ không thế thiếu với mỗi người.

Văn học và tình thương có mối quan hệ vô cùng sâu sắc. Trước kia, nhà phê bình văn học Hoài Thanh từng khẳng định nguồn gốc của văn chương là lòng thương người và “văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện cho ta những tình cảm ta sẵn có. Cuộc đời phù phiếm và chật hẹp của cá nhân nhờ có văn chương mà trở lên thâm trầm và rộng rãi đến trăm nghìn lần”. Các tác phẩm văn chương thường khơi gợi tình thương từ tận trái tim con người.

Biểu hiện rõ nét nhất của tình thương trong văn học là lòng nhân ái. Văn học thể hiện phong phú các cung bậc tình cảm của con người. Khởi nguồn là tình cảm gia đình – tình cảm mà bất kì ai cũng có. Đó là tấm lòng yêu thương vô bờ bến, sự hi sinh thầm lặng của mẹ cha như tình cảm của cậu bé Hồng và mẹ trong tác phẩm “Trong lòng mẹ” của Nguyên Hồng. Tình yêu thương con đã chiến thắng những lời bàn tán, chỉ trích, những hủ tục của xã hội cũ để người phủ nữ tha hương càu thực tìm về với con, ôm con trong vòng tay. Văn học từ đó cũng tái hiện và ngợi ca, nhắc nhở tình cảm, bổn phận của người làm con. Đó là tình yêu, sự kính trọng và biết ơn công lao trời biển của cha mẹ, như cậu bé Hồng đã bỏ ngoài tai lời mỉa mai khích bác của bà cô để giữ trọn tình yêu với mẹ, Hay trong ca dao từ bao đời vẫn nói:

“Con dù lớn vẫn là con của mẹ

Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con”

Bên cạnh đó, văn học còn giúp ta cảm nhận được tình nghĩa vợ chồng thiết tha sâu nặng như vợ chồng chị Dậu trong “Tắt đèn” – Ngô Tất Tố. Và cả tình anh em cảm động như câu chuyện của hai anh em trong “Cuộc chia tay của những con búp bê” - Khánh Hoài.

Ngoài tình cảm gia đình gắn bó ruột thịt ấy, văn học còn truyền tải cả tình thương giữ những người không cùng máu mủ. Họ là hàng xóm láng giềng, là thầy trò bè bạn, là người lạ, là đồng bào, thậm chí là kẻ địch. Trong cuộc sống, người ta nói “Bán anh em xa mua láng giềng gần”. Những khi tắt lửa tối đèn, khó khăn vất vả, hàng óm sẽ giúp đỡ lẫn nhau như ông giáo và lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao – “Lão Hạc” hay bà lão láng giềng với gia đìh chị Dậu trong “Tắt đèn”. Từ gia đình, xóm làng đến trường học và xã hội, tình yêu thương luôn bao trùm rộng rãi. Dĩ nhiên văn học không bỏ quên ở những khía cạnh khác của tình thương. Đến với văn học, ta dược chứng kiến bao câu chuyện cảm động về tình đồng nghiệp thầy trò, bạn bè mà điển hình là tình cảm giữa ba người họa sĩ, Xiu, Giôn-xi và cụ Bơ men trong “Chiếc lá cuối cùng” của Ô-Hen-ri. Giôn-xi bị bệnh và gần như từ bỏ khát vọng sống, nhưng Xiu và cụ Bơ men luôn ở bên chăm sóc cô, cụ Bơ men đã hi sinh cả tính mạng vẽ chiếc lá lên tường để giữ lại mạng sống đem hi vọng cho Giôn-xi.

Tình cảm yêu thương mạnh lẽ và sâu rộng nhất trong văn học có lẽ là tình yêu giữa con người với con người, giữa những thế hệ trong một đất nước. Điển hình là tình yêu quê hương đất nước. Nhiều năm về sau, nhân dân ta vẫn không thôi tự hào về truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên” rằng 54 dân tộc anh em đều sinh ra từ bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ. Vậy nên:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng.”

Chúng ta không thế nào quên khúc tráng ca bi thương mà anh dũng trong “Đại Cáo Bình Ngô” – Nguyễn Trãi, hay “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn. Đó là khúc ca về tinh thần đoàn kết, sức mạnh yêu thương của cả một cộng đồng người để vượt lên đau thương giành chiến thắng. Tình thương còn bao trùm giữa người với người. Văn học đã tái hiện bao câu chuyện yêu thương tình nghĩa giữa những người xa lạ. Câu chuyện về những người ăn xin đã thể hiện rõ nét tình cảm đáng trân trọng ấy. Hay “Chi Phèo” với tình cảm của Thị Nở cho kẻ xa lạ, đáng sợ mà ai ai cũng né tránh – Chí Phèo với bát cháo hành nghi ngút vẫn luôn tỏa mãi hương vị của lòng nhân ái, của tình cảm sẻ chia.

Chín từ việc thể hiện những tình cảm quý giá tốt đẹp ấy văn học truyền cho ta tình yêu thương vô tận. Chúng ta biết yêu thương và đồng cảm với những số phận bất hạnh không trọn vẹn, lòng nhân ái trở nên sâu sắc hoàn thiện hơn. Đồng thời văn học còn phê phán lên án những kẻ thờ ơ nhẫn tâm chà đạp lên cuộc đời con người. Dẫn chứng là bà cô của bé Hồng, người thân trong gia đình nhưng luôn rắp tâm gieo rắc những điều tanh bẩn vào tâm hồn cháu. Hay người cha nghiện ngập trong “Cô bé bán diêm” – An-đéc-xen, thậm chí là cả xã hội trong câu chuyện cổ tích đó và trong “Chí Phèo” đã thờ ơ, vô nhân đạo với những số phận.

Qua tác phẩm này hay tác phẩm khác, dù là thơ, kịch, truyện ngắn hay tiểu thuyết, văn học luôn thực hiện sứ mệnh của mình với tình thương. Văn học như sợi chỉ nối liền yêu thương với cuộc sống hiện thực, hoàn thiện những trái tim và hướng tới chân trời “chân-thiện-mĩ”. Giống như nhà thơ Tố Hữu từng viết:

."Còn gì đẹp trên đời hơn thế

Người yêu người sống để yêu nhau”

Văn học và tình thương luôn đồng hành tạo nên giá trị đích thực cho mỗi tác phẩm đồng thời giúp con người vươn tới chân – thiện – mĩ, hoàn thiện nhân phẩm và nhân cách con người. Và ở bất kì thời đại nào, giá trị lớn lao nhất của văn chương vẫn là “gây cho ta những tình cảm ta chưa có, luyện cho ta những tình cảm ta sẵn có”.

Nghị luận về văn học và tình thương được Khoahoc chia sẻ trên đây. Hy vọng với tài liệu này sẽ giúp ích cho các em có thêm tài liệu tham khảo, trau dồi thêm vốn từ, từ đó hoàn thiện bài văn của mình hay hơn, sâu sắc hơn. Chúc các em học tốt, ngoài ra các em có thể tham khảo thêm các môn học khác đều có tại tài liệu học tập lớp 8 này nhé.

  • 62 lượt xem
Chủ đề liên quan