Soạn văn bài: Chọn sự việc, chi tiết tiêu biểu trong bài văn tự sự

  • 1 Đánh giá

Để viết một bài văn tự sự, cần lựa chọn được các sự việc, chi tiết tiêu biểu. Sự việc, chi tiết tiêu biểu có tác dụng dẫn dắt câu chuyện, tô đậm tính cách nhân vật và tập trung thể hiện chủ đề của câu chuyện. KhoaHoc xin tóm tắt những kiến thức trọng tâm và hướng dẫn soạn văn chi tiết các câu hỏi. Mời các bạn cùng tham khảo.

1. Khái niệm

  • Tự sự: là kể chuyện, phương thức dùng ngôn ngữ kể lại một chuỗi các sự vật, sự việc từ sự vật, sự việc này dẫn đến sự việc kia cuối cùng dẫn đến một kết thúc, thể hiện một ý nghĩa.
  • Sự việc là “cái xảy ra được nhận thức có ranh giới rõ ràng, phân biệt với những cái xảy ra khác” (Theo Từ điển tiếng Việt).
  • Trong văn bản tự sự, mỗi sự việc được diễn tả bằng lời nói, cử chỉ, hành động của nhân vật trong quan hệ với nhân vật khác. Người viết, người kể chọn một số sự việc tiêu biểu nhằm dẫn dắt câu chuyện, tô đậm đặc điểm, tính cách nhân vật, tạo sự hấp dẫn, lôi cuốn người đọc, người nghe
  • Sự việc tiêu biểu là những mốc quan trọng góp phần hình thành bố cục, từ đó dẫn dắt câu chuyện, từng bước hoàn chỉnh văn bản.
  • Mỗi sự việc tiêu biểu bao gồm một số chi tiết đặc sắc. Chi tiết có thể là một lời nói, một cử chỉ, một hành động của nhân vật… Những chi tiết đặc sắc tập trung thể hiện rõ nét sự việc tiêu biểu.

==> Chọn sự việc, chi tiết tiêu biểu là khâu quan trọng trong quá trình viết hoặc kể lại một câu chuyện.

  • Muốn chọn được chi tiết, sự việc tiêu biểu khi viết bài văn tự sự, trước hết cần nắm được yêu cầu của đề văn. Cần phải hình dung được cốt truyện, các nhân vật và quan hệ của chúng.
  • Các chi tiết, sự việc đưa vào bài văn có thể do ta đọc, hoặc tự phát hiện, hoặc ghi lại trong cuộc sống nhưng nhất thiết phải nổi bật, hấp dẫn, tô đậm tính cách nhân vật và tập trung biểu hiện tư tưởng chủ đề của bài văn.

2. Cách chọn sự việc, chi tiết tiêu biểu

1. Đọc lại truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy

a. Tác giả đã kể chuyện gì?

Trả lời:

  • Công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước: xây thành, chế nỏ…
  • Câu chuyện ấy cũng nói lên được tình cha con máu mủ ruột già giữa An Dương Vương và Mị Châu.
  • Tình phu thê giữa Trọng Thủy và Mị Châu.

==> Qua diễn biến câu chuyện ta thấy được cái kết của số phận người con và số phận trong tình yêu.
b. Sự việc Mị Châu và Trọng Thủy chia tay nhau, Trọng Thủy hỏi Mị Châu: "Ta lại tìm nàng, lấy gì làm dấu?" ....Đó có thể coi là sự việc và các chi tiết tiêu biểu trong truyện không? Vì sao?

Trả lời:

  • Đó chính là sự việc và các chi tiết tiêu biểu, vì chúng đều mở ra bước ngoặt và tình tiết mới.
  • Nếu trong câu chuyện này thiếu những chi tiết tiêu biểu thì sẽ không tạo nên một cốt truyện, mà câu chuyện không có cốt chuyện thì chưa được coi là câu chuyện hay. Nếu thiếu câu chuyện chỉ dừng lại việc Triệu Đà kéo quân sang đánh Âu Lạc và giành thắng lợi. Sẽ không có thêm tình tiết Trọng Thủy phải tìm theo dấu vết Mị Châu vì tình yêu trân thực, rồi để hối hận đã muộn màng. Kết thúc của chi tiết này là việc tự vẫn tại giếng Loa Thành để tạo nên chi tiết ngọc trai, giếng nước.Và thiếu nó thì không có bi kịch của câu chuyện về Mị Châu – Trọng Thủy và thái độ của nhân dân với hai nhân vật ấy.

2. Tưởng tượng người con trai lão Hạc trở về làng vào một ngày sau Cách mạng tháng *Câu chuyện người con trai Lão Hạc quay trở về vào một ngày sau cách mạng tháng Tám – 1945. Hãy chọn một sự việc tiếp sau đó rồi kể lại với một số chi tiết tiêu biểu.

Về tới đầu làng, thấy cảnh xóm làng tuy còn xơ xác tiêu điều, nhưng khí thế cách mạng sôi nổi, anh bồ hồi nhớ lại những kỉ niệm xưa.. Anh tìm gặp ông giáo , được nghe kể vể cha mình, rồi theo ông đi viếng mộ cha. Sau mấy ngày thăm hỏi bà con hàng xóm và bạn bè cũ , anh gửi lại ông giáo những di vật của cha, tạm biệt quê hương , nhưng k như lần trước , lần này anh đi làm nhiệm vụ của người cách mạng.

Trả lời:
Sự việc diễn ra: Người con trai của Lão Hạc quay trở lại nhà và tìm đến ông giáo, rồi sau đó được nghe ông giáo kể lại về mọi chuyện.

  • Các chi tiết:
    • Sự thay đổi của ông giáo sau bao nhiêu năm tuy ông đã già đi nhiều, nhưng tinh thần của ông lại lạc quan, đổi mơi hơn trước.
    • Ông nghe người con trai của Lão Hạc kể về chuyện anh đã từng trải qua, và ông rất xúc động kể về cái chết của cha anh ta.
    • Ông giáo đưa anh đến viếng mộ người cha, khung cảnh xung quanh lạnh lẽo, u buồn.
    • Người con trai nghẹn lòng, xúc động “anh thắp hương cúi đầu trước mộ cha, đôi mắt đỏ hoe, miệng mếu máo như muốn khóc…” cũng như nỗi day dứt khi biết người cha già vì mình hi sinh cả cuộc đời cũng như tính mạng.
    • Ông giáo cũng ngấn ướt lệ.

3. Hãy nêu cách chọn sự việc, chi tiết tiêu biểu trong văn tự sự.
Các bước:

  • Xác định đề tài, chủ đề câu chuyện.
  • Dự kiến cốt truyện ( các sự việc tiêu biểu ).
    • Cốt truyện truyền thống, thường gồm các phần: Trình bày, khai đoạn (thắt nút), phát triển, đỉnh điểm (cao trào) và kết thúc (mở nút).
    • Cốt truyện phóng khoáng kiểu hiện đại: Là cốt truyện không theo lôgíc kể trên, có thể đảo lộn hoặc thiếu một phần nào đó hoặc có loại tự sự mà không có… chuyện (chỉ miêu tả những dòng cảm xúc).
  • Triển khai các sự việc bằng các chi tiết chọn lọc, tiêu biểu

B. BÀI TẬP VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI

Câu 1( Trang 63 - SGK Ngữ văn 10)

Đọc văn bản Hòn đá xù xì và trả lời câu hỏi

HÒN ĐÁ XÙ XÌ

Tôi thường tiếc cho hòn đá xù xì trước cửa nhà mình: nó đen sì sì nằm sấp ở đó như con trâu, chẳng ai biết nó có từ bao giờ, chẳng ai để ý đến nó. Mỗi mùa gặt hái, phơi rơm rạ trước cổng, bà nội lại bảo: "Hòn đá vướng quá, bao giờ mới vần nó đi được".

Bác tôi làm nhà muốn lấy đá xây tường, nhưng khổ một nỗi nó chẳng ra hình thù gì cả, không bằng phẳng, không góc cạnh, dùng búa đục thì tốn sức quá, chẳng bằng ra bãi sông gần đó thả sức chọn đá bác về còn tốt hơn chán vạn. Nhà xây xong, làm bậc hè, bác tôi cũng không chọn đến nó. Năm ấy, có bác thợ đá về làng, đục đẽo cho gia đình tôi chiếc cối. Bà nội tôi bảo: "Lấy quách hòn đá này, khỏi phải vần từ xa". Bác thợ đá ngắm nghĩa mãi, rồi lắc đầu, chê chất đá mịn quá không dùng được.

[...] Nó nằm lặng lẽ ở đó, bóng râm của cây hòe bên sân không che được nó, hoa cũng chẳng bao giờ mọc trên mình nó. Cỏ dại mọc, dâu leo lan dần phủ lên nó một lớp rêu xanh màu đen lốm đốm. Bọn trẻ chúng tôi cũng ghét hòn đá, đã từng rủ nhau vần đi, song không vần nổi. Tuy luôn luôn mắng chê nó, song chẳng biết làm thế nào, đành kệ nó nằm chết gì ở đó.

[...] Cuối cùng một hôm, có một nhà thiên văn về làng. Ông đi qua ngõ nhà tôi, chợt phát hiện ra hòn đá này, ánh mắt cứ cuốn hút vào nó. Ông đã ở lại không đi nữa, và sau đó lại có vài người kéo đén, bảo đó là hòn đá rơi từ vũ trụ xuống đã hai ba trăm năm, là một hòn đá rất ghê gớm. Sau đó không lâu, một chiếc ô tô đến đã cẩn thận chở hòn đá đi.

Chuyện này khiến bọn tôi đứa nào cũng hết sức ngạc nhiên. Hòn đá vừa xù xì, xấu xí, vừa tai quái này, thì ra từ trên trời rơi xuống. Nó đã từng vá trời, đã từng tỏa nhiệt, tỏa ánh sáng trên trời. Tổ tiên của chúng ta có lẽ đã nhìn thấy nó, nó đã đem lại cho tổ tiên ánh sáng, lòng ngưỡng mộ và sự ước ao, song nó đã rơi xuống trong bùn đất, trong cỏ hoang, nằm ở đấy mấy trăm năm ư?

Bà nội bảo:

- Thật chẳng thể nhận ra, hòn đá không bình thường, ngay đến tường cũng không xây nổi, bậc lên xuống cũng chẳng thể lát được!

- Nó xấu xí quá mà! - Nhà thiên văn bảo

- Đúng, nó xấu xí quá.

- Nhưng đó chính là cái đẹp của nó - Nhà thiên văn nói tiếp. - Nó lấy xấu làm đẹp.

- Lấy xấu làm đẹp ư?

- Đúng, xấu đến tận cùng là đẹp đến tận cùng. Chính vì thế nó không phải là hòn đá bướng bỉnh thông thường, đương nhiên không thể xây tường, lát bậc lên xuống, không thể điêu khắc và giặt vò quần áo. Nó không phải là thứ để làm những trò ấy, cho nên thường bị người ta chê bai.

Bà nội đỏ mặt. Tôi cũng đỏ mặt.

Tôi cảm thấy xấu hổ cho minh, đồng thời cảm thấy cái vĩ đại của hòn đá, thậm chí tôi còn oán giận hòn đá tại sao đã im lặng chịu đựng tất cả bao nhiêu năm nay? Song tôi lại lập tức cảm nhận sâu sắc sự vĩ đại của hòn đá đã sống âm thầm và không sợ hiểu lầm.

(Theo Giả Bình Ao, Cây Phật, in trong Tản văn, NXB Văn học, Hà Nội 2003)

a. Khi kể lại chuyện này, có người định bỏ sự việc hòn đá xấu xí được xác định là rơi từ vũ trụ xuống. Có làm như thế được không, vì sao ?
b. Có thể rút ra bài học gì về cách lựa chọn sự việc và chi tiết tiêu biểu khi viết bài văn tự sự (hoặc kể chuyện)?

=> Xem hướng dẫn giải

Câu 2 ( Trang 63 - SGK Ngữ văn 10) Đọc đoạn trích Uy-lít-xơ trở về.

  • Hô-me-rơ kể chuyện gì?
  • Ở phần cuối đoạn trích, tác giả đã chọn một sự việc quan trọng, đó là sự việc gì, được kể bằng những chi tiết tiêu biểu nào? Có thể coi đây là thành công của Hô-me-rơ trong nghệ thuật kể chuyện không? Vì sao?

=> Xem hướng dẫn giải

Phần tham khảo mở rộng

Câu 1: Trình bày những nội dung chính trong bài: "Chọn sự việc, chi tiết tiêu biểu trong bài văn tự sự". Bài học nằm trong chương trình ngữ văn 10 tập 1.

=> Xem hướng dẫn giải

=> Trắc nghiệm ngữ văn 10 bài: Chọn sự việc, chi tiết tiêu biểu trong bài văn tự sự


  • 75 lượt xem